1.Họ đã ở bên nhau được 3 năm, mối tình công sở kinh điển với ăn trưa trong quán vắng, đồ ăn thường mặn chát hoặc nhạt thếch nhưng vì thế nên ít khách, không dễ đụng mặt người quen. Sau bữa trưa cho qua chuyện, hai người hai xe tiến tới một nhà nghỉ hoặc gần cơ quan anh, hoặc gần cơ quan cô.
Giấc ngủ trưa hiếm hoi, thường là chợp mắt dăm phút sau những giây phút truy hoan, thỉnh thoảng cũng có cãi cọ, nhưng rất hiếm. Anh rất hợp với cô trong chuyện ấy, bằng chứng là đã qua 3 năm, cả ngàn buổi trưa lặp đi lặp lại như cơm bữa, anh vẫn “ăn” đều đặn, phấn khích.
Trước khi đến với anh, cô có vài mối tình nhưng chẳng “đi đến nơi về đến chốn”, tới lúc băm vài nhát thì gặp anh, một đối tác. Anh đã có gia đình, một đứa con gái nhỏ, lúc quen nhau con bé mới dứt sữa, vợ anh có tiệm cắt tóc, gội đầu cạnh nhà. Vốn xuất thân từ phố chợ, vợ anh là người ăn nói cục cằn và có máu “hoạn thư”, từng thuê côn đồ đánh dằn mặt một nữ đồng nghiệp của anh chỉ vì một tin nhắn lạc trong điện thoại giữa đêm khuya.
Dư chấn của vụ đánh ghen giữa đàng khiến anh trở thành một người cảnh giác cao độ. Sau lần đầu tiên trong nhà nghỉ ven đô, còn run lên bần bật vì nhau anh đã đưa ra một số nguyên tắc. Cái lý của anh là “để vẹn cả đôi đường”, anh không muốn rắc rối để phải xa cô. Còn cô, cũng vì khiếp sợ cảnh bị bà vợ ít học của anh chặn đường đánh đập, ngoan ngoãn tuân theo.
2. Họ mua một cặp điện thoại đôi, loại xoàng xĩnh, chỉ có 2 chức năng nghe gọi và nhắn tin. Buổi sáng, 8 giờ anh tới văn phòng, mở két sắt lôi chiếc điện thoại ra nhắn tin cho cô, hỏi han đôi câu buổi sáng, hôm nào nhớ quá thì ra hành lang gọi, hẹn ăn trưa, nghỉ trưa. Cô cầm theo điện thoại, lưu duy nhất số của anh, tối tắt, sáng bật trước 8 giờ, như đồng hồ báo thức.
Cũng có chiều, sau 5 giờ, thi thoảng cô cũng hoang hoải nhìn chiếc điện thoại nằm im lìm, rồi nhắn tin cho anh, dù biết sáng mai anh mới đọc được. Cô cũng biết số điện thoại chính thức của anh, cả số điện thoại nhà riêng (anh dặn cô lưu vào sổ để nhỡ có bị vợ anh gọi tới cũng đừng thưa máy, phòng xa như thế). Nhưng biết chỉ để biết, họ đã quy ước không liên lạc ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ. Thậm chí “có ốm chết cũng không gọi cho anh”…
Cô là mẫu phụ nữ kín đáo, chuyên môn công tác tốt, học vấn cao nên trong công tác có phần được nhiều người quý mến, nể trọng. Cô chưa từng tiết lộ với ai về mối quan hệ với anh, hai người cũng chưa từng đi chung, có bất chợt bị bắt gặp trong quán cà phê thì mọi người đều nghĩ họ gặp nhau vì công việc. Cho dù hợp phần cô làm với đơn vị của anh đã kết thúc từ hai năm trước. Bạn bè thân thiết thấy cô kín tiếng chuyện bạn trai, đều nghĩ cô có nỗi khổ riêng, trước còn giục giã lấy chồng để sinh con nhưng rồi sau mặc nhiên không hỏi cô chuyện riêng tư.
Cả những anh chàng từng theo đuổi cô cũng lần lượt bỏ cuộc khi thấy cô không có một chút ý định hẹn hò. Tối nào cô cũng đi học tiếng Anh cho dù trình độ của cô đã có thể đọc viết thông thạo, đi hội thảo không cần ấn nút nghe phiên dịch. Cuối tuần cô đi học yoga, thi thoảng cũng đi cà phê với đám bạn đã có gia đình, nhìn ngắm chúng lếch thếch với sữa và tã bỉm. Ngoài mặt, cô vẫn nói cười ra chiều “độc thân vui vẻ” nhưng trong ánh mắt đã có chiều quyến luyến, đã “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”.
3. Cô âm thầm nuôi ý định xin anh một đứa con để làm mẹ đơn thân nhưng vừa hé răng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của anh. Anh bảo yêu cô rất nhiều nhưng không thể bỏ vợ để lấy cô cũng không muốn gia đình bị ảnh hưởng. Thật ra, cô biết anh nghĩ gì, anh lo sợ cũng đúng thôi, anh không muốn cả đời “sống trong sợ hãi”.
2 cái điện thoại hết giờ thì có thể ngừng liên lạc chứ một đứa trẻ, sợi dây ấy dễ gì để cất vào két sắt hoặc ấn nút off là xong. Sau vụ “xin con bất thành”, những cuộc hẹn hò ở nhà nghỉ giữa cô và anh cũng thưa dần, nếu có anh dò xét kỳ kinh của cô rồi kiên quyết “phải có công cụ hỗ trợ”. Cảm giác yêu thương mất dần đi, thay vào đó là sự chịu đựng, cô chịu những tổn thương do anh mang lại, anh chịu đựng ánh mắt buồn bã không nói của cô, cả những giọt nước mắt lăn trên gối mỗi lần “kết thúc”…
….Sáng ấy, như mọi ngày, anh tới cơ quan từ 8 giờ, nhưng không mở điện thoại. Dễ tới mấy tháng rồi anh không còn háo hức vồ lấy điện thoại khi bước chân vào phòng làm việc của mình, một phần vì công việc, hạng mục mới anh được giao khá nặng và quan trọng. Cơ hội để anh chứng tỏ mình đang đến, cái ghế vụ trưởng đang trống sau khi bác vụ trưởng đáng kính nghỉ hưu.
Mặt khác, anh bắt đầu thấy bất an trong mối quan hệ ngoài luồng với cô, dạo này cô vợ ghê gớm cũng có vẻ "đánh hơi” thấy sự khang khác của anh, tối nào về cũng kè kè bên cạnh, thỉnh thoảng còn đột ngột xuất hiện dưới sảnh văn phòng anh vào lúc nghỉ trưa…
Cuối giờ chiều, anh có việc mở két sắt, tay chạm vào điện thoại lạnh ngắt, anh chậm rãi bật nguồn. Màn hình sáng, khoảng 2 giây sau, một tin nhắn mới hiển thị trong hộp thư đến, rất chần chừ, anh mở ra đọc rồi gần như hóa đá. Hai tay anh cứng đờ, gương mặt bất động, một nỗi đau đớn như chạy thẳng từ tim lên óc khiến anh không thể không gục xuống. Trên mặt bàn, màn hình điện thoại vẫn sáng, một dòng tin ngắn ngủi: “Yến đã mất lúc 11 giờ đêm, tai nạn khi băng qua đường vào lớp học tiếng Anh”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Ngoại truyện: Tôi không biết chủ nhân số máy này là ai, thấy Yến ghi trong máy là myhome, tôi đoán đó là bạn trai của cô ấy. Đêm đó, tôi nhận được điện thoại từ bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ nói trong 2 chiếc điện thoại nạn nhân mang theo người, số máy cuối cùng cô ấy liên lạc là số của tôi. Hẳn là thế rồi vì khoảng 7 giờ tối hôm đó, Yến gọi cho tôi để nhắc bản kế hoạch hai đứa đang làm dở, sáng hôm sau đã đến hạn phải nộp.
Yến sống kín đáo, 3 năm gần đây không công bố danh tính bạn trai, không ai biết cô đang hẹn hò với ai nhưng mọi người đều đoán già đoán non là người đã có gia đình. Cái cách cô luôn biến mất vào buổi trưa nói lên điều đó. Tình công sở bây giờ quá phổ biến, không ai tò mò nhất là khi nhân vật chính là một người khả kính.
Tôi quyết định giấu chiếc điện thoại thứ hai của Yến trước khi người nhà và đồng nghiệp tràn đến bệnh viện. Ông bác sĩ xem chừng ra chiều thông cảm khi thấy chiếc điện thoại cũ chỉ lưu có một số với những dãy tin nhắn đầy ắp. Tôi quyết định mở ra đọc một số tin nhắn và rồi hiểu thế nào là “có chết cũng không gọi cho anh”. Tôi đã nhắn tin vào số máy đó, dù thế nào, anh ta cũng phải biết.
…Đám tang giản dị và sâu sắc, như cách sống của Yến vậy, tôi nhận dán băng đen lên áo cho khách đến viếng, cốt muốn xem người đàn ông bí mật của cô có đến không. Tôi thầm cầu mong anh ta đến, tôi đã nhắn rõ cả thời gian, địa điểm. Và rồi tôi cũng nhận ra người đàn ông phong độ đeo cặp kính đen, tới viếng vào cuối buổi.
Anh ta đi một mình nhưng lại nhập vào đoàn một nhóm bạn học cũ của Yến. Tôi nhận ra anh ta là một đối tác cũ trong dự án công ty chúng tôi từng làm. Cuối buổi, anh ta lặng lẽ đi sau đoàn người rồi đứng lại khi chiếc xe chở thi hài Yến đi khuất, từ góc nhà để xe, tôi thấy anh ta gỡ kính xuống, đôi mắt hoe đỏ, bần thần…
Nắng chói chang trên sân đượm mùi hương khói, chẳng hiểu sao, tôi cứ nghe văng vẳng “có chết cũng không gọi cho anh, có chết cũng không gọi cho anh…”.