Di tích đang được quản lý kiểu... bát nháo

(PLO) - Đền chùa, di tích được xem là nơi thờ tự, mang đầy yếu tố tín ngưỡng và tâm linh, vốn xưa nay ít liên quan tới danh, tới lợi và rất xa những ồn ào, xô bồ trần tục, thế nhưng những năm gần đây đã trở nên “nóng”  hơn bao giờ hết…
“Cha chung không ai khóc”
Câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” trong quản lý di tích vẫn lặp lại khi thời gian qua, các vụ việc xâm hại nghiêm trọng di tích liên tục xảy ra (như vụ Thành cổ Luy Lâu ở Bắc Ninh; chùa Trăm Gian  ở Chương Mỹ, Hà Nội; Chùa Một Cột bị xuống cấp nghiêm trọng...). Thế nhưng, đến khi dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới “biết” để vào cuộc xử lý.
Hiện nay, do chưa thống nhất việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự, mỗi di tích lại có một, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý. Nơi thì do cơ quan nhà nước quản lý (như các UBND, Sở VH-TT&DL…), nơi thì do nhân dân (như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…), nơi thì do cá nhân (sư trụ trì, thủ từ…) quản lý. 
Do chưa thống nhất việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự, mỗi di tích lại có một, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý.
Do chưa thống nhất việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự, mỗi di tích lại có một, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý.  
Thế nên mới có những thực tế trớ trêu khi: “Những người hưởng lương của Nhà nước để quản lý di tích thì không phát hiện ra sai phạm ngay tại chính di tích mình quản lý, hoặc biết mà cố nhắm mắt làm ngơ chăng? Họ thờ ơ theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Đau xót hơn khi sai phạm được phát hiện, không ai chịu đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp. 
“Quả bóng” trách nhiệm đó cứ được đẩy từ người này sang người khác, để cuối cùng việc xử lý sai phạm cũng được tiến hành theo kiểu hình thức, “phủi bụi” mà thôi. Người ta cứ phá hoại di tích (dưới danh nghĩa trùng tu, tôn tạo) vì thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết rồi chỉ bị kiểm điểm là xong. Nếu cứ như vậy thì tình trạng xâm phạm di tích sẽ không dừng lại” - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia Ngô Đức Thịnh bức xúc.
Ngay sự việc nhức nhối tại chùa Chân Long gần đây, chỉ đến khi chuyện sư thầy Thích Minh Phượng lộng hành, thay đổi yếu tố nguyên gốc trong di tích, dư luận ầm ĩ, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội xuống kiểm tra thì mới ngỡ ngàng phát hiện ra rằng, kể từ năm 1991 khi chùa được xếp hạng, UBND huyện Thạch Thất không hề thành lập Ban Quản lý (BQL) di tích (trực thuộc xã Chàng Sơn quản lý), dù điều này đã được quy định đối với mỗi di tích được xếp hạng quốc gia. 
Cung tiến, chẳng nhẽ... từ chối
Sự việc chùa Chân Long là điển hình cho sự buông lỏng của địa phương (được giao phân cấp quản lý), nhưng cũng có rất nhiều di tích được xếp hạng, có BQL, thành phần là lãnh đạo xã kiêm nhiệm nhưng rồi cũng… bỏ mặc cho cộng đồng và những người được cộng đồng cử trông nom di tích tự động sắp đặt nội thất, dựng tượng, đúc chuông, tùy tiện tu bổ, cổ vật bị mất cắp, bị đánh tráo, bị “cung tiến”, nội dung của di tích cũng bị giới thiệu sai lệch… Thực trạng nổi bật nhất trong thời gian qua đã xảy ra như với vụ việc tu bổ chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế, chùa Chân Long… mà dư luận đã lên tiếng.
Và nữa, rất nhiều di tích ở ngay giữa Hà Nội, bước vào đã thấy Tam bảo rực rỡ đèn chùm - thứ mà người ta vẫn trang trí cho những ngôi biệt thự sang trọng... Ngôi chùa cổ, ngói mũi hài rêu phong, kiến trúc gỗ được “ép” treo chùm đèn, khập khiễng dở cổ, dở kim. Không những thế, vào đình, vào chùa giờ mắt “vấp” phải đủ các loại đồ thờ tự được cung tiến, đặc biệt là độc bình mới tinh, cao lừng lững… Chùa Vàng (huyện Gia Lâm) từng có chuyện người dân đến hè nhau khênh tượng cũ xuống, rồi định đưa cả chục bức tượng mới lòe loẹt lên. Đơn giản, họ nghĩ tượng mới thì đẹp hơn tượng cũ (!?).
Và đau lòng hơn nữa là trước cổng nhiều đình, chùa hiện giờ bỗng xuất hiện nhiều con sư tử nhe nanh, trợn mắt. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo lý giải về cái mốt oái ăm và đi ngược với truyền thống văn hóa Việt - đây chẳng qua là sự học đòi, a dua, thiếu hiểu biết nhưng lại thừa tiền, cần phải đưa những thứ ngược truyền thống văn hóa ra khỏi di tích Việt càng sớm càng tốt.
Không thể “hồn nhiên cha truyền, con nối”
Ngoài ra, còn tồn tại một thực tế là đội ngũ BQL di tích còn yếu về trình độ chuyên môn, thiếu hiểu biết về pháp luật và di tích. Bởi vậy, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng Dự thảo Hướng dẫn kiện toàn công tác quản lý di tích và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhận định, nội dung Dự thảo không mới, cũng không phải lần đầu đề cập đến. Mục tiêu là di tích phải có chủ, chủ có trách nhiệm, nghĩa vụ rõ ràng. Nếu không làm rõ thì không biết ai làm chủ, nên mới để xảy ra những hiện tượng như việc đưa hòn đá lạ vào Đền Hùng, đưa tượng Bác vào chùa dù đã có những quy định không đưa tượng Bác vào chùa.
Ông Nguyễn Thế Chính cho rằng: “Văn bản của Bộ nếu được đưa vào thực thi sẽ giúp các địa phương giải tỏa được phần nào bất cập trong công tác quản lý. Tuy nhiên, văn bản này chưa có căn cứ pháp lý hướng dẫn trong khi chúng tôi đang mong muốn đây là “cái gậy quản lý”. Dự thảo chưa có hướng dẫn bài trí trong di tích. Theo ông Chính, hiện có BQL cấp tỉnh, huyện, xã, có nơi có cấp thôn. Nhưng trách nhiệm giữa BQL cấp tỉnh, cấp huyện cũng chưa rõ ràng. Bộ cần xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn BQL cấp tỉnh, cấp xã, cấp huyện làm gì?
PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, hiện tại đang có sự nhầm lẫn trong việc xác định chủ nhân thật sự của di sản. Cả nghìn năm nay chùa là của làng, giờ bỗng dưng thành chùa của sư. Sự sai lầm này là lý do khiến những người quản lý việc lễ bái trong các di sản tự cho rằng họ là chủ nhân và tự cho phép mình đứng ngoài vòng pháp luật khi tiến hành sửa chữa thay đổi kết cấu, kiến trúc, sắp xếp lại, làm cho giá trị kiến trúc trở nên méo mó thảm thương. 
Thông tư số 18/2012/BVHTTDL (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) được coi là một bước tiến mới trong việc quản lý chất lượng trùng tu di tích, góp phần sàng lọc, chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa những người trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, trùng tu di tích.  Tại Điều 6 Chương II Thông tư quy định rõ, bên cạnh các bằng cấp khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… những tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có Chứng nhận hành nghề và Chứng chỉ hành nghề. 
Ông Phan Đình Tân - Phó Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng cần phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc trông nom và gìn giữ di tích. Theo ông Tân, cần phải thay đổi đội ngũ này theo hướng có đào tạo, chuẩn hóa kiến thức về di sản thay vì kiểu “cha truyền, con nối” hay vì tư lợi cá nhân tự phát như tại nhiều di tích hiện nay. Bên cạnh đó, phải xây dựng chế độ cụ thể để người trông nom di sản phải ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm với di tích. 

Đọc thêm