Dự án đường giao thông kéo dài 14km, nền đường rộng 34m từ QL1 đi Đầm Môn được triển khai từ tháng 10/2016, có 575 thửa đất với 460 trường hợp bị ảnh hưởng. Số trường hợp bị giải tỏa chủ yếu nằm trên địa bàn xã Vạn Thọ. Dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng. Việc giải tỏa mặt bằng và bồi thường do UBND huyện Vạn Ninh thực hiện.
Vợ chồng ông Trần Văn Mai (41 tuổi) và bà Phan Thị Mỹ Hồng (42 tuổi) là một trong những gia đình cận nghèo, quanh năm chỉ biết bám vào nghề đi kéo lưới biển. Khi Nhà nước thông báo rằng nhà đất bị thu hồi để làm đường phục vụ KKT Vân Phong, ông bà sẵn sàng ủng hộ. Nhưng khi cầm trên tay giấy tờ bồi thường của UBND huyện Vạn Ninh, ông bà như chết lặng vì mức bồi thường quá thấp và không hỗ trợ tái định cư.
“Tôi ủng hộ Nhà nước phát triển kinh tế, nhưng đền bù chỉ có 54 ngàn/m2 thì thấp quá. Chưa kể lấy hết đất, hết nhà của chúng tôi mà không tái định cư thì chúng tôi ở đâu?”, ông Mai đặt câu hỏi.
Tại Quyết định số 815/QĐ-UBND ngày 18/6/2019 của UBND huyện Vạn Ninh, gia đình ông Mai, bà Hồng bị thu hồi diện tích 923m2 đất ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ và bồi thường gần 394 triệu đồng. Không đồng ý với phương án bồi thường như vậy, gia đình họ không nhận tiền đền bù. “Với số tiền ấy thì bây giờ không mua được mảnh đất ở chứ chưa nói đến việc xây nhà”, bà Hồng nói như khóc.
Tương tự gia đình ông Mai, cụ Bùi Trọng Thừa (85 tuổi) tay run run cầm lá đơn kiện cho hay, nhà cụ có 9 nhân khẩu, các con và cháu đều ở chung một căn nhà cấp bốn đang nằm trong diện thu hồi để giao dự án. Nhà cụ bị thu hồi cả đất và nhà với diện tích 361,1m2 tại thôn Tuần Lễ với tổng số tiền bồi thường 425 triệu đồng, không bồi thường tái định cư.
|
Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Vạn Ninh đang bị các hộ dân khiếu nại. |
Ngoài gia đình ông Mai, cụ Thừa, còn có gần 20 hộ gia đình rơi vào cảnh như vậy, cùng quan điểm không đồng ý với phương án bồi thường này, không nhận tiền. Mới đây, ngày 20/11/2019, UBND huyện Vạn Ninh ban hành quyết định cưỡng chế với các hộ gia đình không chịu di dời.
Các hộ dân này càng thêm bức xúc vì cùng dự án này, với một số trường hợp khác, lại được cấp tái định cư. Ông Nguyễn Sơn (45 tuổi, bị thu hồi trắng cả nhà và đất với diện tích 903,5m2 tại thôn Tuần Lễ, được bồi thường 764 triệu và không hỗ trợ tái định cư), nói: “Cũng trong vị trí đất thu hồi để làm dự án, có các hộ khác có vị trí, loại đất, mục đích sử dụng giống hoặc thấp hơn như tôi cùng tại thôn Tuần Lễ nhưng lại được bồi thường mức cao hơn. Có những hộ lấn chiếm trái phép nhưng vẫn được cấp đất tái định cư. Vậy tại sao với chúng tôi thì lại không?”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Trong các cuộc đối thoại về phương án bồi thường đất, nhiều lần người dân yêu cầu UBND xã Vạn Thọ cung cấp các thông tin như danh sách bồi thường và kiến nghị xem xét lại số tiền bồi thường, vì sao không được cấp đất tái định cư như những hộ lân cận khác; nhưng yêu cầu này chưa được đáp ứng.
Trong quá trình làm việc UBND xã Vạn Thọ, Ban bồi thường bị cho là chưa công khai, minh bạch, chưa niêm yết công khai các bảng giá bồi thường của các hộ dẫn tới sự nghi ngờ qua lại lẫn nhau. “Chúng tôi chỉ được UBND xã Vạn Thọ mời đến làm việc và nói rằng chúng tôi bị thu hồi số diện tích này và bồi thường bao nhiêu tiền này, rồi yêu cầu chúng tôi ký vào biên bản chứ không giải thích cho chúng tôi biết rõ”, ông Sơn phản ánh.
Bức xúc với tình trạng nêu trên, các hộ dân này đã làm đơn kiến nghị đến các cấp lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa để được xem xét giải quyết. Để làm rõ sự việc, PV đã liên hệ với UBND xã Vạn Thọ và UBND huyện Vạn Ninh nhưng cả hai đơn vị này đều hẹn ngày khác, yêu cầu PV để lại câu hỏi.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.