“Thời gian ngắn nhất” ở đây được xác định là trong năm 2015. Tuy nhiên, với thực tế xa xôi, cách trở về mặt địa lý giữa công trình và “đại bản doanh” của cơ quan được giao làm đại diện chủ đầu tư khiến một số người lo ngại: Liệu Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực 2 (Ban 2) có đủ khả năng để thường xuyên sâu sát, quản lý tốt nhất một dự án đòi hỏi tính cấp bách, được nhiều người dân quan tâm giữa Thủ đô?
Người một nơi, việc một nẻo
Trong Công văn số 4394/ĐS-CBĐT ngày 31/12/2014 gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Trần Ngọc Thành trình bày: “Cầu Long Biên đã quá tuổi thọ sử dụng, do tính cấp bách của dự án cần được triển khai ngay và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để kịp thời ngăn chặn tình trạng hư hỏng, xuống cấp ngày càng tăng của cầu Long Biên, uy hiếp an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, đường bộ”. Vì thế, TCty ĐSVN đề nghị Bộ GTVT cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với hai gói thầu tư vấn thiết kế và thi công xây lắp. Ban 2 là đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý dự án.
Theo thông tin chúng tôi có được, trụ sở Ban này hiện đặt tại quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, với chức năng thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách đoạn từ Km521+800 đến Km1095+540. Theo các cột cây số trên, có thể thấy địa bàn hoạt động của Ban 2 chủ yếu ở khu vực miền Trung. Thế nhưng không hiểu vì sao khi triển khai Dự án khôi phục cầu Long Biên (giai đoạn 1 - gia cố bảo đảm an toàn cầu phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020), TCty ĐSVN (chủ đầu tư) lại chấp nhận phương án “người một nơi, việc một nẻo” trong khi tiến độ dự án đang được tính từng tháng, thậm chí là từng ngày. Cụ thể, Gói thầu số 1 (khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán) được yêu cầu phải hoàn thành trong 2 tháng 5 ngày, còn Gói thầu số 3 (xây lắp) phải xong trong vòng 8 tháng.
Rõ ràng, với việc thực hiện dự án trên, Ban 2 ngoài việc “lạ nước, lạ cái” về địa bàn còn phải đối mặt với một công trình quá cũ (cầu đã qua sử dụng hơn 112 năm), cùng hàng loạt chi tiết hết sức phức tạp; vì thế, không biết có đủ khả năng để kiểm soát, điều hành hoạt động của các nhà thầu về đích đúng hạn vào cuối năm 2015? Về vấn đề này, trao đổi với PLVN qua điện thoại hôm 1/4, từ Đà Nẵng, Giám đốc Ban 2 Nguyễn Tiến Hải cho hay: “Lãnh đạo Ban chúng tôi hiện đang ở Đà Nẵng để họp bàn triển khai công việc…”.
Đường sắt Việt Nam nói gì?
Do đến thời điểm này, tại địa bàn thực hiện dự án vẫn chưa có người của đại diện chủ đầu tư nên những thông tin chính thức về tiến độ dự án chưa được phát đi. Tự tìm hiểu, phóng viên đã tiếp cận với Cty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (TRICC) - một bên trong liên danh thực hiện Gói thầu số 1 thì được biết, đến nay đơn vị này đã hoàn thành già nửa khối lượng công việc của gói thầu. “Do thủ tục làm bảo lãnh tạm ứng hợp đồng hơi phức tạp nên trước mắt, chúng tôi tự ứng chi phí để thực hiện hợp đồng và cam kết sẽ phấn đấu hoàn thành phần việc còn lại vào ngày 11/4/2015.” - ông Trần Thiện Cảnh, Tổng Giám đốc TRICC nói.
Trả lời câu hỏi vì sao Ban 2 từ Đà Nẵng lại ra Hà Nội để thực hiện Dự án cầu Long Biên, trong khi khu vực hoạt động đã được TCty ĐSVN xác định cho các Ban khi thành lập, ông Lê Hữu Hưng, Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư (TCty ĐSVN) nói: “Khu vực và địa bàn cũng chỉ là tương đối. Thực tế, TCty phải xem xét khả năng, khối lượng công việc của cả 3 Ban trong toàn quốc đang thực hiện rồi từ đó có quyết định phân công, điều phối công việc cho hợp lý đối với từng đơn vị. Hiện, Ban 1 đóng ở Hà Nội đang vướng một số dự án chưa xong nên phải giao Dự án cầu Long Biên cho Ban 2 từ Đà Nẵng ra thực hiện.”. Đại diện Ban Chuẩn bị đầu tư lý giải như vậy nhưng theo nguồn tin của PLVN thì trong thời gian gần đây, Ban 2 là đơn vị “bị” giao khá nhiều việc, trong khi Ban 1 và Ban 3 có phần hơi nhàn rỗi.
Riêng đối với dự án này, vào thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định sắp tới Ban 2 có thể hoàn thành được trọng trách mà chủ đầu tư giao phó hay không. Chỉ biết rằng, việc khôi phục cầu này đã, đang trong giai đoạn “tính giờ”, thế mà đại diện chủ đầu tư vẫn ngồi ở Đà Nẵng để “họp bàn triển khai” thì liệu có đối lập với những câu chữ đầy tính khẩn cấp mà TCty ĐSVN đã dùng để báo cáo Bộ GTVT trong Công văn số 4394/ĐS-CBĐT ngày 31/12/2014?
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com