Trước khi nghe câu chuyện của anh Lượm, mời bạn đọc quay lại thời điểm người dân xã Long Hưng bị Dona.Coop cho người sơn mồ mả, bị một số đối tượng lạ kích động (PLVN đã có bài phản ánh – NV), xảy ra cuộc gây rối trật tự tại UBND xã. 46 người bị tống vào tù. Sự việc nghiêm trọng thậm chí có một số cơ quan báo chí nước ngoài phản ánh.
Cũng từ lúc này, xuất hiện văn bản chỉ đạo của Chính phủ về dự án. Thế nhưng thực tế Chính phủ chỉ đạo một đằng, Đồng Nai và Dona.Coop lại có dấu hiệu “làm một nẻo”. Địa phương vin vào chuyện “Chính phủ đã có chỉ đạo” để tiếp tục đi đến hàng loạt hành động sai sót, trái pháp luật khác.
Ngụy tạo “bùa hộ mạng”
Ông Nguyễn Văn Nhuần (SN 1964, ngụ ấp An Xuân, nguyên Đại biểu HĐND xã) cho hay: “Ngay từ thời điểm đó, dân đã có đơn tố cáo việc UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư cho dự án là sai, nêu rõ việc Phó Chủ tịch tỉnh khi đó là ông Đinh Quốc Thái và một số lãnh đạo khác ban hành các quyết định trái luật, vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị. Thậm chí, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 1999 thì đây là hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý đất đai, phải truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ngày 12/2/2010, văn bản do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, gửi UBND Đồng Nai nêu rõ: “Đồng ý về chủ trương UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư và cơ quan chức năng bổ sung hoàn thiện thủ tục với các dự án Khu dân cư Long Hưng, Công ty Cổ phần thành phố AQUA và Công ty TNHH thành phố Waterfront theo quy định tại Nghị định số 02/2006/NĐ-CP”.
Tiếp theo đó, ngày 11/5/2010, văn bản vẫn do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, gửi UBND Đồng Nai nêu rõ: “UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng mục tiêu đầu tư của dự án Khu dân cư Long Hưng để chủ yếu phục vụ tái định cư, giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người dân bị giải tỏa, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”.
Đáng lưu ý, trong văn bản ngày 12/2/2010 còn nhấn mạnh: “UBND tỉnh Đồng Nai cần rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật”.
Nguyên Đại biểu HĐND xã, ông Nguyễn Văn Nhuần nói: “Đáng tiếc là một lần nữa Đồng Nai và Dona.Coop lại tự suy diễn. Ở Đồng Nai lúc đó, họ cho rằng họ làm như vậy mặc dù là sai nhưng Thủ tướng đã chấp thuận cho họ. Họ cho rằng những công văn đó là Thủ tướng đồng ý cho họ. Cho nên sau này, họ không “cãi” là họ làm đúng quy trình, đúng pháp luật nữa mà họ đổ lỗi. Khi dân đi khiếu nại thì họ lấy những công văn đó ra và nói “Chính phủ chấp thuận cho chúng tôi làm”.
Vẫn lời ông Nhuần: “Nhưng thực ra, trong những văn bản đó Chính phủ chỉ nói “chấp thuận chủ trương” một số dự án chứ không nói gì đến toàn bộ tổng dự án khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng. Và phải làm đúng pháp luật, làm lại từ đầu, chứ không phải Chính phủ đồng ý cho Đồng Nai và Dona.Coop tổ chức các cuộc cưỡng chế sai luật, dùng vũ lực “cướp” đất của dân”.
Từ việc hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai chỉ đạo của Chính phủ như nêu trên, Đồng Nai và Donacoop “được đà xốc tới” có hàng loạt biện pháp, chỉ đạo, phát ngôn sai trái. Ông Nhuần nói: “Đây là dự án kinh doanh bất động sản. Bản thân chủ đầu tư cũng đã khẳng định là dự án kinh doanh bất động sản. Khởi điểm của dự án này, không phải chủ trương của tỉnh hay của Chính phủ vạch ra mà từ cái đơn xin của Bùi Thanh Trúc (Giám đốc Dona.Coop - NV) gửi cho Tỉnh ủy Đồng Nai. Sau đó, Tỉnh ủy mới có văn bản gửi cho UBND tỉnh. UBND tỉnh mới chỉ đạo các Sở như Kế hoạch và Đầu tư tham mưu và ra quyết định cho phép thực hiện dự án. Đây là dự án kinh doanh của doanh nghiệp để thu lợi nhuận. Và đã là dự án kinh doanh thì phải thỏa thuận với dân”.
“Vậy mà khi tỉnh tổ chức họp dân, chính Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khi đó ông Lê Hồng Phương tiếp xúc cử tri, xuống “trấn an dư luận”, đã nói dối rằng dự án này là của Nhà nước. Mặc dù dự án là của Dona.Coop nhưng cán bộ đứng ra nói với dân là dự án của Nhà nước. Họ nói tầm bậy với dân”, ông Nhuần tố cáo.
Giật sập nhà dân, nổ súng đe dọa
Việc văn bản chỉ đạo của Chính phủ bị hiểu sai, trước tiên dẫn tới những cuộc cưỡng chế “vô pháp vô thiên”. Như câu chuyện của anh Lượm, người nông dân năm nay đã 46 tuổi nhưng “từ ngày bị lấy đất nghèo quá không ai thương”, vẫn chưa vợ con. Nay anh dựng lều bạt sống với đàn chó bên bờ sông, lúc nào cũng giữ trong người một cuốn vở học trò.
Gương mặt chất phác, nước da đen đúa, buổi sáng hôm gặp đoàn nhà báo, vẻ thật thà anh tiến đến hai tay đưa cuốn vở: “Em không biết chữ. Lúc “nó” đập nhà, em không có ở nhà. Mất hết cả, có ghi trong đây nè, lần đầu tiên là ngày 7/7/2016”.
“Từ khi nghe nói có cái văn bản gì đó của Chính phủ, cả mấy năm trời “nó” đòi cưỡng chế miết nên ông già bà già buồn quá mất hết rồi. Hai người chết trong vòng có mấy tháng à. Má em chết trước ba em. Tại “nó” “hăm” miết, ổng bả buồn, sợ”.
“Đang sạ lúa cái “nó” vô “nó” lấp. Có ba bốn cái chòi lận, “nó” xuống “nó” đập, “nó” xô hết à. Chòi tôn thì “nó” xô sập bỏ chứ không thèm dỡ. Dừa thì “nó” cắt cây. Dừa khô “nó” lấy. Dừa tươi thì đập ăn tại chỗ với nhau”.
“Nó” lấp của em hết mẫu mấy lúa. Cái nào mà bị ngăn đường thì “nó” cho xe cuốc múc. Cái nào không bị ngăn đường thì “nó” cho xe đổ đất lấp hết. Lúa lúc đó gần trổ rồi, có bắp (đòng - NV) hết”.
“Lần cưỡng chế đầu tiên “nó” còn lấy của em 18 triệu với bắt con trăn 10 ký. Có sáu con trăn, mà “nó” lựa con lớn nhất “nó” bắt. Lu hũ gì “nó” cũng đập hết. Tiền mất. Tại tiền em để trong lu. Chòi đâu có tủ gì đâu nên em giắt trong đít lu. Không thu lại được gì hết, đến chai mật ong cũng bị lấy mất, quần áo, xoong nồi, chén đĩa cũng bị ủi lấp hết”.
“Bị đập mất nhà, em dựng lều ở tiếp. “Nó” lại cưỡng chế, đập dữ quá nên em đường cùng chống lại. Em uất quá nói “đợi vào tui vác cây tui đập”. Một công an tuyên bố “ai chống tui xách súng bắn ráng chịu”. “Nó” đuổi em chạy. Nhà có cái xuồng, bị gí nên em nhảy xuống xuồng bơi ra ngoài sông. “Nó” bắn hai ba viên gì đó “đùng đùng”. Bắn lên trời”.
“Ở ngoài sông, em thấy “nó” dỡ, “nó” phá. Lúc đó bà con cũng đông lắm. Em kêu người ta cứu mình. Kêu vậy thôi chứ ai giúp gì được… Ai chẳng biết chuyện nhà anh Ba nè (chỉ ông Phan Văn Hoa ngồi kế bên, PLVN đã có bài phản ánh - NV), khi cưỡng chế, “nó” bắt ảnh liệng lên xe thùng như heo luôn á. Xịt hóa chất gì đó luôn, làm ghê lắm. “Nó” coi dân không có ra rơm ra rác gì hết ráo. Thua con heo bị mang đi bán”.
Ông Lê Minh Trọng (SN 1972, từng ngụ số nhà 278, Hương lộ 2, ấp An Xuân) thì cho hay: “Đầu tiên “nó” đập nhà anh Hoa trước. Nhà tui gần đó. Thấy bất công và tội cho gia đình ảnh. Chị ấy đứng ở hàng rào van xin đừng giật nhà. “Nó” lấy bình cứu hỏa xịt vào người, vào họng chị ấy. Nói chung là xịt trắng luôn như “cô gái Đồ Long”, khiến chị ấy nói không ra tiếng, nằm viện mấy ngày luôn. Bị phá nhà còn bị phạt hơn 10 triệu nữa”.
“Rồi đến nhà tui cũng tội nghiệp không kém. Sáng hôm đó, tui vẫn đi làm vui vẻ, con cái nhà cửa đồ đạc vẫn nguyên. Tui làm công nhân ở công ty giày. Bà xã và hai con cũng cùng làm.
Bữa đó, có thằng con tui đi làm ca ba từ 10h đêm đến 6h sáng hôm sau. Con tui ngủ trong nhà quên khóa cửa sau. Mọi lần có tui ở nhà thì tui khóa hết cửa. “Bọn nó” vào khiêng thằng con tui ra, vứt ở đường. Vứt xong con tui còn chưa tỉnh ngủ nữa. Tại làm ca ba mệt mà. Khi tỉnh dậy thì thấy nhà đã đập xong rồi.
Tiền bạc để trong tủ mất hết. Có khóa cửa mà “nó” cậy khóa bung ra luôn. Cái tủ bằng sắt, loại tủ đứng treo quần áo. Tui khóa cửa kỹ lưỡng lắm. Bàn thờ tổ tiên tui làm bằng cây gỗ ngày xưa, ông cố, ông nội tui để lại, “nó” mang vào nơi để tạm không lọt, “nó” đập nát luôn. Bài vị ông già tui, lư hương, tui không thấy đâu hết”.
Một cựu cán bộ xã từng một số lần tham gia các cuộc cưỡng chế xác nhận: “Có đi cưỡng chế mới thấy những cảnh đau thương. Bác đi trong đoàn bác chứng kiến nhiều nhà bị phá hết, gạt nước mắt căng lên cái bạt để ở, bới đống xà bần nhặt nhạnh từng món đồ”.
Không chỉ tổ chức những cuộc cưỡng chế phi nhân tính, Đồng Nai và Dona.Coop tiếp tục có những hành động “vô pháp vô thiên” khác: Từ bồi thường sai quy định đến lấy đất tái định cư phân lô bán nền mang bán…
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.