Bức tượng nằm trên khu đất thuộc địa giới hành chính khu 3, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; từng có nhà cửa ruộng vườn của anh nông dân Trương Văn Lượm (SN 1972). Tất cả tài sản đã tiêu tan sau những cuộc lấy đất cho dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” do Donacoop làm chủ đầu tư, thế nhưng điều “kỳ lạ” là bức tượng Phật vẫn không hề suy suyển.
“Họ ăn cướp có giấy tờ hẳn hoi”
Anh Lượm đã mất cha mẹ. Không vợ con. Không biết chữ. Mất sạch đất. Không nghề nghiệp. Đồng Nai và Donacoop cưỡng chế đất rồi để hoang, anh dựng lều sống trên nền nhà cũ bên bức tượng Phật bà.
Anh nông dân mù chữ chìa cuốn sổ nhờ người ghi chép, thống kê số tài sản thiệt hại sau những lần bị cưỡng chế: “Thiệt hại 4 nhà tôn (2 trát xi măng, 2 lợp lá), 1 chòi bò, 1 chuồng vịt… Mất 2 bao phân, 18 triệu đồng tiền mặt, quần áo, 2 dao to, 1 dao nhỏ, 1 con trăn 10kg, 1 con vịt trời, 5 con gà mái, 4 ổ gà ấp, 1 cái thau nhôm to, 11 cái lu lớn, nửa lít mật ong…”. Danh sách liệt kê còn rất dài, chi tiết đến từng cây chôm chôm, bình bát, măng cụt. Đến bụi tre bị cưa, anh còn nhớ có 12 cây…
Với một số người, có thể sẽ cười khi nhìn thấy thống kê thiệt hại của anh Lượm, vì số tài sản ấy với họ có thể là rất nhỏ. Nhưng với chúng tôi thì không. Chúng tôi hiểu với một người nông dân mù chữ, đó là số tài sản mà cả đời chắt chiu gây dựng mới có được. Số tiền anh được “đền bù” sau khi bị lấy mất hết nhà cửa, khó có thể mua lại được một nền đất chứ chưa nói tới cất nhà. Và khi mù chữ, không nhà cửa, không tư liệu sản xuất, có nghĩa bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Phản đối dự án của Donacoop và Đồng Nai, anh Lượm nói: “Dự án này em đâu có đồng ý đâu. Dự án họ kinh doanh bất động sản mà. Họ phân lô bán nền chứ có làm lợi gì cho dân đâu. Đền bù rẻ quá nhận gì, mua gì, thậm chí không mua được lô đất khác. Bị dồn vào khu chung cư rồi ngồi đó có nước đi ăn trộm, ăn cắp chứ làm gì ăn? Mình không biết chữ nghĩa thì làm gì. Giờ em bốn mấy tuổi, từ nhỏ tới lớn chỉ biết làm nông, lên đấy có làm gì được đâu? “Họ kêu em ký giấy giao đất, em không ký. Em nói tui không biết chữ, tui không biết giấy gì nên không ký”.
Anh nông dân phẫn nộ: “Ruộng đất của mình mà họ muốn lấy thì lấy, muốn đuổi thì đuổi, còn hơn ăn cướp nữa. Ăn cướp nó còn đỡ hơn họ. Ăn cướp ngoài đường không có giấy tờ, còn họ ăn cướp có giấy tờ hẳn hoi, không ai dám làm gì hết”.
“Thôi rồi Lượm ơi”
Gia đình anh Lượm bị cưỡng chế lần đầu ngày 7/7/2016. “Họ bảo đợi đến 8h sáng. Đợi mà không thấy họ xuống nên em đi làm, thế là họ ập tới dỡ cửa nhà ra phá hết trơn hết trọi”, anh kể. Hàng chục chiếc xe ben chở đầy đất “cắn đuôi nhau” chỉ trong ít phút lấp gần hai mẫu chòi và vườn cây, ruộng lúa nhà anh Lượm thành bình địa.
“Nhà em nghèo nên chưa có tiền xây nhà kiên cố, mà ở trong mấy cái nhà trát xi măng lợp tôn. Họ đập, họ xô sập bỏ chứ không thèm dỡ. Dừa khô họ lấy mang đi, dừa tươi họ đập ăn tại chỗ với nhau. Họ còn lấy trộm của em 18 triệu giấu trong đít lu. Nhà nuôi sáu con trăn trong lu, họ bắt trộm con lớn nhất 10 ký”.
“Hơn mẫu lúa nhà em lúc đó gần trổ rồi, có bắp (đòng – NV) rồi, chờ ít bữa được thu hoạch, vậy mà họ cũng lấp hết. Miếng ruộng nào mà không có đường xe vô thì họ cho xe cuốc múc. Miếng nào có đường thì cho xe ben đổ đất lấp. Bát cơm sắp được đưa lên miệng mà còn bị giằng lấy đổ đi”.
Gạt đi nỗi đau gia tài gây dựng cả đời, phút chốc chỉ còn đống xà bần, anh nông dân cùng khổ nhặt nhạnh lại từng tấm tôn, từng mảnh nilon, dựng cái lều trên nền nhà cũ. Và anh Lượm bị cưỡng chế lần thứ hai vào ngày 30/6/2017.
“Lần này em chống lại. Thấy đoàn cưỡng chế đến, em nói “ai vào tui vác cây tui đập”. Một viên công an thấy vậy nói “ai chống tui xách súng bắn ráng chịu”. Em có một mình, họ cả trăm người sao chống lại được? Thấy họ đập đồ, em nhảy vào định giằng lại. Họ xách súng gí em chạy. Nhà có cái xuồng cắm bên sông, em nhảy xuống xuồng đẩy phắt ra ngoài. Họ không đuổi được, họ giơ súng bắn “đùng đùng” hai ba viên gì đó. Ở ngoài sông, em thấy họ dỡ, họ phá. Lúc đó bà con kéo đến đông lắm. Em kêu bà con cứu mình. Nhưng kêu vậy thôi chứ…”.
“May mà chạy được, chứ họ bắt được họ liệng lên xe hết. Trước đó nhiều vụ cưỡng chế, họ bắt dân liệng lên xe thùng. Họ còn xịt xịt cái gì đó, làm ghê lắm. Họ coi dân không có ra rơm ra rác gì hết ráo. Thua con heo bị mang đi bán”.
Nỗi xót của lớn hơn nỗi sợ hãi. Gần tàn cuộc cưỡng chế, anh nông dân chống xuồng vào bờ, “mon men” đến gần đoàn người, van xin được lấy lại một số đồ đạc sinh hoạt. “Họ trừng mắt nói trả rồi mình ở nữa sao. Họ chở đi hết, đến cái lu đựng nước uống cũng chở hết đi, không biết chở đi đâu”, anh Lượm kể.
Câu hỏi day dứt
Dự án trái pháp luật đã lấy đi tài sản của anh Lượm và trước đó cũng đã bị cho là góp phần lấy đi sinh mạng cha mẹ anh: “Từ khi có quy hoạch tới giờ, dân chỉ có khổ chứ sung sướng gì đâu? Từ khi có dự án này dân ai cũng áp lực. Tối ngày họ cứ hăm cưỡng chế, hăm lấy đất riết. Dân làm gì cũng phập phồng. Họ đòi cưỡng chế miết nên ông già bà già em buồn quá mất hết rồi. Hai người chết trong vòng có mấy tháng. Má em chết trước ba em mấy tháng. May mà chết trước khi nhà bị cưỡng chế, nếu không chẳng có chỗ làm đám tang”.
“Ba mẹ em chết họ đâu có cho chôn ở đây nữa. Họ bắt xuống nghĩa trang dưới Tân Cang cách đây gần 10 cây số. Không tiền, không bạc cũng ráng chạy vạy xây mả cho cha mẹ hết bốn chục triệu. Mua đất chôn hết bảy triệu mấy một cái nữa. Thành ra năm mươi mấy triệu tất cả”, anh kể.
Những cuộc cưỡng chế thô bạo chỉ có thể lấy tài sản, nhưng không thể lấy đi tình yêu cây lúa và nghị lực sống trong người nông dân này. Anh dựng chòi trên nền đất cũ sống tiếp. Chòi bị ủi lấp, nay anh dựng lều bạt. Ruộng lúa của mình đã bị lấp đất, nay anh “cấy trộm” trên đất bỏ hoang của Donacoop, năm nay được năm mẫu lúa. “Họ lấp chủ yếu là đất của dân thôi vì không muốn cho mình ở. Lấp xong phân lô bán nền. Chưa ai mua thì bỏ hoang bao nhiêu năm nay. Đất ruộng của Donacoop mua từ cả chục năm nay để đó, mình cấy trộm thì chưa thấy họ nói gì. Họ phá hoại để mình khỏi sống trên đất của mình thôi”, anh nhận định.
Đó là ngày thường, còn nay gần đến kỳ thu hoạch, anh Lượm cho hay “thấy xe bốn bánh chạy ngang qua là phập phồng”. Mỗi mẫu ước tính thu hoạch hơn sáu tấn, năm nay giá 6.300đồng/ký, nếu giờ lại bị san lấp, lại thêm lần “bát cơm chan đầy nước mắt, bay còn giằng khỏi miệng ta”.
Trong căn lều bạt chỉ có đàn chó làm bầu bạn bên bờ sông, anh Lượm quả quyết: “Bây giờ dựng chòi căng cái bạt, trời nắng thì nóng hầm hập, trời mưa thì hắt, nhưng sống thế này em vẫn sống. Dù ăn xin cũng phải sống. Pháp luật thì em không có rành, tại em không biết chữ, nhưng chẳng có luật pháp nào lại cho phép mang súng ống bắn đùng đùng, đập phá nhà cửa lấy ruộng, lấy đất của dân đền bù bèo bọt. Đền bù như thế khác gì đẩy em vào chỗ chết. Em ước sao không có Donacoop, không có cái dự án này để mình có một cuộc sống yên ổn”.
Trong sâu thẳm suy nghĩ của anh Lượm vẫn có niềm tin mãnh liệt. Người nông dân mộc mạc nói: “Hai lần cưỡng chế hung bạo, nhưng họ vẫn không dám đập bức tượng Phật bà Quan âm trước nhà em. Em đã nói pháp luật thì em không rành, tại em không biết chữ, nhưng chuyện này làm em băn khoăn quá. Họ không sợ pháp luật, sao lại sợ tượng Phật bà?”.
Nỗi băn khoăn ấy của người nông dân mù chữ cũng là nỗi day dứt của PLVN. Làm vô số điều sai trái với những người dân Long Hưng, Đồng Nai và Donacoop đã chứng tỏ không sợ pháp quyền, thế nhưng lại chùn bước trước thần quyền. Và chúng ta phải làm gì để những người nông dân hiểu rằng xã hội không chỉ có thần quyền, mà còn có luật pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của dân, như Bác Hồ đã từng nói “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”?
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.