Tạo cơ sở pháp lý xử lý tội phạm mạng
Thống nhất với 6 nội dung được Chính phủ đưa ra khi nói về sự cần thiết phải ban hành luật, ĐB Ngô Minh Châu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tương tự các nước khác, Việt Nam đang đứng trước mối đe dọa từ tội phạm sử dụng môi trường mạng và nguy cơ mất an toàn thông tin. Các quốc gia, các tổ chức và cá nhân cũng luôn bị rình rập tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, theo ĐB Châu, tội phạm cũng có thể khai thác, sử dụng lỗ hổng trên mạng để làm giảm lợi thế về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động quốc phòng an ninh. Ngoài ra, ĐB cũng chỉ ra hàng loạt vụ tội phạm lừa đảo thông qua hoạt động kinh doanh trên mạng như sàn vàng ảo, bán hàng đa cấp, mạo danh cơ quan công quyền để lừa đảo, lừa đảo thông báo trúng thưởng để lừa nạn nhân chuyển tiền, rao bán thông tin cá nhân… “Do đó, cần có Luật An ninh mạng để tạo cơ sở pháp lý xử lý tội phạm”, ĐB nói.
Đồng quan điểm, ĐB Mai Khanh (Ninh Bình) cho rằng, việc xây dựng Luật này là cần thiết trong bối cảnh việc sử dụng không gian mạng để đăng tải các thông tin tuyên truyền, kích động đối với Nhà nước và vu khống, xúc phạm danh dự đối với cá nhân rất nhiều trên mạng xã hội… Theo ĐB Khanh, trong số những vụ việc như vậy, có nhiều vụ việc mà các cá nhân đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bị đăng tải thông tin. Vì vậy, trong bối cảnh sự phát triển rất nhanh của không gian mạng hiện nay, cần có biện pháp mạnh để xử lý những hành vi gây hại.
Rà soát để tránh chồng chéo
Đi vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật, nhiều ĐB cho rằng các quy định trong dự thảo Luật đang có sự chồng chéo với các luật hiện hành. ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) nhận xét dự thảo Luật An ninh mạng với các Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng “giẫm chân nhau” rất nhiều, từ đối tượng điều chỉnh tới chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Do đó, ĐB kiến nghị cần phải rà soát cẩn thận, tránh trường hợp khi luật ra đời, doanh nghiệp không biết nên tuân theo luật nào hay khi xảy ra một vụ việc nào đó có thể dẫn tới nhiều đơn vị cùng đứng ra xử lý, gây loạn trong thi hành luật.
Tương tự, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cũng cho rằng khái niệm an ninh mạng là khái niệm rộng, ảnh hưởng đến phạm vi, nội dung của các luật khác như Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Quốc phòng…
Bên cạnh đó, ĐB Dũng cũng cho rằng các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc bảo đảm an ninh mạng trong dự thảo Luật hiện còn rất manh mún. “Nếu tham khảo luật của Nhật Bản thì người ta phải có một bộ tư lệnh mạng thông suốt với nhau như một “mạng nhện”… Phải có sự chỉ huy thống nhất từ Chính phủ để có tính hợp đồng tác chiến chứ quy định trong dự thảo như hiện nay còn rời rạc”, ĐB nói.
Dẫn quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tác chiến không gian mạng, tác chiến, chiến tranh không gian mạng, Bộ Công an chịu trách nhiệm tác chiến, đấu tranh an ninh mạng, ĐB Sùng Thìn Cò cũng đề xuất nghiên cứu rất kỹ các quy định này để khi ban hành không xảy ra tình trạng chồng chéo nhiệm vụ của các bộ, ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật.
Không thể ngăn chặn internet
Phát biểu tại tổ, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định an ninh mạng là vấn đề an ninh phi truyền thống, đang là sự quan tâm chung quốc tế của từng quốc gia, của tất cả các diễn đàn song phương, đa phương. “Chúng ta xác định an ninh mạng là vấn đề không một quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý và không một quốc gia đơn lẻ nào giải quyết được, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất của các quốc gia mới xử lý được. Kể cả những nước hùng mạnh về kỹ thuật, công nghệ như Mỹ cũng phải hợp tác để giải quyết vấn đề an ninh mạng”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mạng internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội; tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội… và việc ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin mạng, internet vì bất kể lý do gì đều là không thể. “Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới. Rõ ràng nhu cầu này và ứng dụng tiến bộ của internet buộc chúng ta phải làm”, Bộ trưởng Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ ra những nguy cơ về mất an ninh mạng nếu chúng ta không làm chủ được không gian mạng: “Thực tế có yêu cầu về bảo đảm an ninh mạng. Phó Thủ tướng Singapore nói với tôi rằng thậm chí ngôi nhà của mình cũng không còn là của mình nữa rồi, vì ứng dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến, ông hàng xóm có thể xâm nhập vào nhà mình, có thể biết được mọi bí mật nhà mình thì phải làm thế nào. Thế giới cũng khó khăn như vậy”.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng internet phát triển đến đâu, an ninh an toàn mạng phải đi theo đến đấy, phải song hành được với nhau. Không một cơ quan nào có thể gọi là đứng ra đảm bảo an ninh mạng. Lực lượng An ninh mạng của Bộ Công an là chuyên trách, nhưng phải toàn xã hội chung tay đóng góp. “Luật này ra đời để huy động toàn bộ xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và hiểu được trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo an ninh mạng đó. Luật phải đạt được yêu cầu đó. Trên thực tế, hệ thống thông tin của chúng ta rất nhiều người nói không an toàn vì có nhiều thông tin độc hại. Vậy phải thanh lọc nó thì chúng ta mới khỏe mạnh được. Đấy là mục tiêu chúng tôi xây dựng luật”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.