Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc quy định ban hành bảng giá đất hàng năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua - 11/5, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp.

Tính toán điều tiết phần địa tô chênh lệch, bảo đảm hài hòa lợi ích

Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, về nội dung về thu hồi, trưng dụng đất, tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng KT-XH theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 77.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Về giá đất, dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định các nguồn thu ngân sách từ đất đai và quy định việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi. Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư.

Luật hóa đầy đủ những nội dung lớn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đánh giá, so với dự thảo Luật trước, dự thảo Luật trình ra lần này đã có bước tiến quan trọng về chất lượng, nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, bám sát thực tiễn hơn, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp yêu cầu phát triển đất nước thời gian tới. Cùng với đó, Chủ tịch QH cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật có rất nhiều điều giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết, trong đó có nội dung rất quan trọng là tài chính đất đai và giá đất. Nhấn mạnh tài chính đất đai và tài chính là vấn đề đại sự, dư luận rất quan tâm, Chủ tịch QH đề nghị luật hóa những vấn đề lớn liên quan đến nội dung này để người dân, doanh nghiệp biết; còn lại giao Chính phủ quy định. Chủ tịch QH cũng đề nghị, với những vấn đề Chính phủ dự kiến hướng dẫn, phải có danh mục và dự thảo các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng luật đã ban hành nhưng không thực hiện được.

Băn khoăn về vấn đề xây dựng bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chỉ ra rằng, việc xây dựng bảng giá đất là rất công phu, mất nhiều thời gian. “Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm thì có khả thi hay không, có sinh ra quá nhiều thủ tục phức tạp trong thực tiễn hay không?”, ông Lê Quang Huy nêu vấn đề và cho biết, qua tiếp xúc, cử tri đề xuất áp dụng bảng giá đất trong thời gian dài hơn. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Lê Quang Huy đề nghị quy định rõ quy trình, tiêu chí để các cơ quan giám sát quy trình xây dựng bảng giá đất.

Quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, thu hồi đất là chế định rất được cử tri và nhân dân quan tâm. Đây cũng là vấn đề bị khiếu kiện rất nhiều. “Cần minh bạch các quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất theo con đường hành chính để tránh khiếu kiện, đảm bảo đúng tiêu chí thu hồi đất”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh. Khẳng định quan điểm quy định càng cụ thể càng tốt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát lại Điều 74 quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và Điều 75 quy định thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng tại dự thảo Luật để quy định thật cụ thể, dự liệu các trường hợp sẽ xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính minh bạch của dự án Luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá, về cơ bản, dự thảo Luật đã bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 18/NQ-TW của Trung ương. Với một số nội dung đã nêu tại Nghị quyết số 18/NQ-TW nhưng chưa được thể chế hóa đầy đủ, chưa được quy định cụ thể trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần có giải trình trong tờ trình. Về áp dụng pháp luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị rà soát lại, bỏ những nội dung đã có trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đọc thêm