Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần thu hẹp các trường hợp đặc biệt

(PLVN) - Sáng 15/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Các đại biểu tại phiên họp.

Thu hút đầu tư trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm góp phần thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh đồng bộ để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và tận thu không bỏ phí nguồn tài nguyên hóa thạch quốc gia.

Đồng thời, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế. Gắn chặt với bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, đặc biệt là chủ quyền biển đảo của chúng ta; phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện. Đồng thời quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế thì tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí lại là quá trình vô cùng khó khăn.

Đánh giá cao những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua, đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ nêu một trong những định hướng quan trọng của việc sửa đổi Luật là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài.

“Tôi nghĩ rằng định hướng đó hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng rất cần đề cao tính thận trọng, vì trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo. Trong những năm qua sản lượng luôn giảm. Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy, tôi nghĩ trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư bằng mọi giá”, đại biểu nói.

Đại biểu chỉ ra rằng, trong 64 điều khoản, có 21 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản này.

Bên cạnh đó, trong dự thảo quy định rất nhiều những trường hợp đặc biệt. Tất cả những quy định này đều giao trách nhiệm quyết định cho Thủ tướng Chính phủ. “Tôi nghĩ với tất cả những điều khoản đặc biệt như thế này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta vô hiệu hóa rất nhiều điều khoản của luật. Vì vậy, tôi đề nghị rà soát để thu hẹp những trường hợp đặc biệt như vậy”, đại biểu nói.

Phân cấp, phân quyền mạnh gắn với kiểm tra và giám sát

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, trong dự thảo, việc khó là làm sao tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí; khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh quốc phòng.

“Tôi thấy, trong luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa được rõ ràng. Đề nghị đưa vào Chương I một điều khoản như luật năm 1993 nhưng làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, đại biểu nói.

Cùng với đó, đại biểu nhấn mạnh, dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng và còn góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại không có một chương đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. “Trong Luật Dầu khí năm 1993, chúng ta dành 2 chương, Chương VII và Chương VIII đề cập đến công tác thanh tra, đề cập đến công tác xử lý vi phạm, nhưng sang luật sửa đổi lần này thì chúng ta không còn chương nào hết. Do đó, tôi đề nghị bổ sung một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp.

Về quản lý nhà nước, theo đại biểu, đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương mà còn có vai trò của Bộ Quốc phòng; đồng thời, cũng cần có một điều khoản riêng về đảm bảo an ninh, quốc phòng của hoạt động dầu khí, vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài sản công, tài sản Nhà nước, vốn Nhà nước.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, dự án luật đang thiết kế theo tinh thần phân cấp và phân quyền mạnh gắn với kiểm tra và giám sát. Theo đó, đã quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí và nội dung hợp đồng dầu khí.

“Hợp đồng dầu khí là thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà thầu dầu khí quan trọng dài hạn và có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền mặt biển. Việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là có cơ sở. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề quan trọng này”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.

Đọc thêm