Theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về khung giá nước sạch sinh hoạt, giá nước sạch có thể tăng tới 6.000 đồng/m3 so với hiện nay…
Thẩm quyền quyết định giá nước sạch
Dự thảo quy định, giá nước sạch sinh hoạt tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 thấp nhất là 3.500 đồng/m3 và cao nhất là 18.000 đồng/m3.Tại đô thị loại 2, loại 3, loại 4 và loại 5, giá nước sinh hoạt tối thiểu là 3.000 đồng/m3 và tối đa là 15.000 đồng/m3. Tại khu vực nông thôn, giá nước sạch sinh hoạt thấp hơn, dao động từ 2.000 - 11.000 đồng/m3. Như vậy, so với hiện nay, giá tối thiểu của nước sạch sinh hoạt tăng từ 500 - 1.000 đồng/m3 và giá tối đa tăng từ 3.000 - 6.000 đồng/m3.
Cùng với dự thảo về khung giá nước, liên Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang soạn thảo Thông tư Liên tịch hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.
Theo đó, Bộ Tài chính quy định khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng trong phạm vi cả nước. UBND cấp Tỉnh phê duyệt phương án giá nước sạch do đơn vị cấp nước trình và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể trên địa bàn do mình quản lý, phù hợp với khung giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển..., chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để quyết đinh giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp nhưng không vượt quá 30% mức giá tối đa của khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính ban hành.
Nước sạch phải đảm bảo đúng quy chuẩn
Nguyên tắc xác định giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị cấp nước không phân biệt theo thành phần kinh tế, không phân biệt đối tượng sử dụng nước là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài, nhưng được xác định cho từng mục đích sử dụng nước khác nhau như: nước dùng cho sinh hoạt của dân cư (có xét đến hỗ trợ người nghèo thuộc các vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng biên giới theo tiêu chí quy định hiện hành của Nhà nước); nước dùng cho các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp; cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phù hợp với đặc điểm tiêu dùng nước, nguồn nước và điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực.
Trường hợp khách sử dụng nước chỉ dùng một đồng hồ đo nước, có hợp đồng sử dụng nước cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau thì đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước căn cứ tình hình sử dụng nước thực tế để thoả thuận tỷ lệ nước sử dụng cụ thể cho mỗi loại mục đích để áp giá nước phù hợp với từng mục đích sử dụng. Nếu đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước không thỏa thuận được tỷ lệ nước sử dụng cụ thể cho từng mục đích sử dụng thì áp dụng theo giá nước cho mục đích sử dụng chính theo hợp đồng thoả thuận. Đặc biệt, giá nước sạch sinh hoạt phải phù hợp với chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nước không đáp ứng đúng Quy chuẩn kỹ thuật phải thấp hơn giá nước đáp ứng đúng Quy chuẩn kỹ thuật.
Hàng năm, khi chi phí sản xuất và giá thành nước sạch có biến động hoặc khi có sự thay đổi về công nghệ xử lý nước, quy chuẩn chất lượng dịch vụ và sự thay đổi về chế độ, chính sách có liên quan của Nhà nước làm giá thành tiêu thụ nước sạch tăng (hoặc giảm) thì cấp có thẩm quyền phê duyệt giá nước theo quy định phải xem xét điều chỉnh khung giá, mức giá tiêu thụ nước sạch cụ thể tăng (hoặc giảm) cho phù hợp.
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên) mà chủ nhà là bên mua nước của đơn vị cấp nước để cung ứng cho các đối tượng trên sử dụng thì cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương) tính là một hộ sử dụng nước để đơn vị cấp nước áp dụng giá nước sinh hoạt cho bên mua nước và hướng dẫn bên mua nước bán nước cho các đối tượng trên theo giá do đơn vị cấp nước áp dụng đối với bên mua nước.
Đông Quang