Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi): Có 'con dâu' sao không có 'mẹ chồng'?

(PLO) - Các chuyên gia phân vân về tính cần thiết của việc mở rộng phạm vi “người có liên quan” trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), khi dự thảo này bổ sung đối tượng “người có liên quan” nhưng chưa đủ thuyết phục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có quan hệ dâu rể nhưng không có quan hệ ruột

Điều 4.39.a của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã mở rộng khái niệm người có liên quan, theo đó, ngoài “cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, em ruột, chị ruột” như quy định của Luật Chứng khoán 2006 thì dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bổ sung thêm “con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”. 

Theo ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận được, quy định này có một số vấn đề cần xem xét. Thứ nhất, quy định này bổ sung “con dâu” nhưng lại không bổ sung “bố chồng, mẹ chồng”. Như vậy sẽ dẫn đến con dâu là người có liên quan của bố chồng, nhưng bố chồng lại không phải là người có liên quan của con dâu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với quan hệ con rể – bố vợ, mẹ vợ, quan hệ anh rể – em vợ, quan hệ em rể – anh vợ, chị vợ, quan hệ chị dâu – em chồng, quan hệ em dâu – anh chồng, chị chồng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) mở rộng đến các quan hệ dâu, rể, nhưng lại không quy định về các quan hệ ông, bà – cháu ruột, quan hệ cô, dì, chú, bác – cháu ruột. Theo truyền thống Việt Nam, đây được coi là những mối quan hệ huyết thống, vốn được coi là thân thiết hơn so với các quan hệ dâu, rể.

“Việc mở rộng phạm vi người có liên quan được suy đoán là để phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, nơi mà các quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng có ảnh hưởng lớn đến các hành vi kinh tế của cá nhân trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng cần cân nhắc đến gánh nặng chi phí tuân thủ của các cá nhân tham gia thị trường” – văn bản của VCCI gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước góp ý dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) nêu. Do đó, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc mở rộng này: “Nếu cần thì có thể thực hiện thêm các nghiên cứu về xã hội học để bảo đảm tính cần thiết của việc mở rộng phạm vi người có liên quan”.

Xác định vị trí Quỹ đầu tư mạo hiểm

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm về hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán; tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 7.3 của Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nêu: “Hoạt động quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Nghị định này thực hiện theo Điều lệ của quỹ, các hợp đồng ký kết với quỹ (nếu có) và không chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán”. 

Theo VCCI, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (thường gọi là quỹ đầu tư mạo hiểm) có danh mục đầu tư rất hạn chế, chỉ gồm tiền gửi ngân hàng và đầu tư và các khởi nghiệp (startups) với mức đầu tư không quá 50% vốn điều lệ. Các quy định để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ cũng đã được quy định tương đối đầy đủ trong Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Các quy định này cũng tương đối giống với quy định về quỹ thành viên trên thị trường chứng khoán, nhưng có thủ tục đơn giản hơn do danh mục đầu tư hạn chế hơn rất nhiều.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cân nhắc sự cần thiết của việc tách riêng quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm. “Trong trường hợp thấy sự cần thiết và nguy cơ rủi ro không cao thì có thể loại bỏ các quỹ đầu tư mạo hiểm ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này. Theo đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 38/2018/NĐ-CP về số lượng nhà đầu tư, danh mục đầu tư và một số quy định khác trong Nghị định này. Trường hợp quỹ đầu tư mạo hiểm không đáp ứng quy định tại Nghị định 38/2018/NĐ-CP thì phải chuyển sang hình thức quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán” – văn bản góp ý của VCCI đề xuất. 

Đọc thêm