Dự thảo luật đất đai (sửa đổi): Cần quan tâm hơn vấn đề tài chính về đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất, cơ quan chủ trì thẩm tra không nêu vấn đề tài chính về đất đai để xin ý kiến, nhưng qua góp ý của một số chuyên gia thì đây là vấn đề rất quan trọng nhằm bảo đảm tính đồng bộ của chính sách tài chính đất đai với các quy định pháp luật liên quan.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghiên cứu sửa đổi mức thuế suất thuế thu nhập

Tại Phiên họp Tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức gần đây, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) cùng đồng thời với sửa Luật Đất đai. Nếu không, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, khoản thuế này có nguy cơ trở nên bất khả thi với hai lý do.

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật thuế thu nhập hiện hành thì thuế suất thuế thu nhập đối với cá nhân chuyển nhượng QSDĐ là 2% trên thu nhập chịu thuế, mà thu nhập này được xác định trên cơ sở giá mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận về giá chuyển nhượng thấp hơn giá Nhà nước quy định thì thu nhập chịu thuế được xác định theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Tuy nhiên, giá do UBND cấp tỉnh quy định hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Do vậy, hầu như người dân khi chuyển nhượng QSDĐ đều có hai hợp đồng, một hợp đồng với giá thỏa thuận thực chỉ có người mua và người bán biết và một hợp đồng được ghi với giá rất thấp dùng để xuất trình khi nộp thuế. Trên thực tế, về cơ bản người dân nộp thuế thu nhập theo giá ảo (giá thấp) trên hợp đồng, hoặc theo giá do UBND cấp tỉnh quy định. Do đó, người dân có thể chấp nhận nộp loại thuế này. Nhưng nếu Nhà nước căn cứ đúng theo giá thị trường (tức là giá chuyển nhượng thực tế) thì với mức thuế thu nhập 2% cộng với 0,5% lệ phí trước bạ sẽ rất khó khả thi. Bởi với mức thu nhập chung và giá cả thị trường bất động sản hiện nay, người dân khó có thể chấp nhận được mức thuế này.

Thứ hai, theo ông Đinh Dũng Sỹ, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ không còn khung giá đất, sẽ không còn loại giá mà UBND cấp tỉnh quy định hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường mà thay vào đó là bảng giá đất được xác định trên cơ sở giá đất phổ biến trên thị trường và sẽ là căn cứ để xác định thuế thu nhập từ chuyển QSDĐ. Theo đó, nếu chúng ta vẫn giữ mức thuế thu nhập từ chuyển QSDĐ là 2% và lệ phí trước bạ 0,5% như hiện hành thì sẽ không khả thi vì người dân khó có thể chịu nổi mức thuế này. Bởi vậy, cần nghiên cứu sửa đổi mức thuế suất thuế thu nhập từ chuyển QSDĐ đồng thời với sửa Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi của chính sách.

Xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai

Cũng quan tâm góp ý vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Khải nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 18 về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai đó là: “Nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch”. Đất đai là tài sản lớn nhất của quốc gia, để phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí thì cần phải xử lý được hai vấn đề rất lớn, trong đó có vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất.

Ông Trần Văn Khải cho rằng, “chênh lệch địa tô” được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao hơn. Đất nông nghiệp được mua gom, được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở và đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần so với đất nông nghiệp. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất và bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Để điều tiết chênh lệch địa tô, ông Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” bảo đảm thực sự rõ ràng, thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18; nghiên cứu quy định rõ trong Luật mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá đất là mục đích đất đang sử dụng hiện tại hay trong tương lai; tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn tại Dự thảo Luật về phương pháp xác định giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến, giúp minh bạch về vấn đề này…

Đọc thêm