Dự thảo Luật Giám định Tư pháp: Giám định sai, phải bồi thường

 Giám định lại trong nhiều vụ án đang gây những bức xúc trong dư luận. Trường hợp nào đáng tin cậy, trường hợp nào không? Cũng vì điều này, cơ quan tố tụng đã “mệt nhoài” trong cuộc phân xử trắng đen…

Giám định lại trong nhiều vụ án đang gây những bức xúc trong dư luận. Trường hợp nào đáng tin cậy, trường hợp nào không? Cũng vì điều này, cơ quan tố tụng đã “mệt nhoài” trong cuộc phân xử trắng đen…
 
Cứ nghi ngờ là giám định lại?

Vụ án nổi tiếng trong dư luận một thời là vụ Đồng Đăng Phúc giết người ở TP. Hồ Chí Minh. Bị cáo này bị cáo buộc đã giết chết ông chủ của mình ngay tại nhà riêng. Tuy nhiên, mỗi lần đem Phúc đi giám định lại cho một kết quả khác nhau. Điên hay không điên? Vụ án kéo dài trong một thời gian rất dài với nhiều vòng quay tố tụng mới đến hồi kết.

Nhắc lại vụ việc này, ông Đoàn Tất Kỉnh, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, khó nhất hiện nay là giải quyết các xung đột giám định, nhất là những vụ án tầm thần. Ông Kỉnh cho rằng quy định về giám định lại thể hiện trong Điều 31 Pháp lệnh Giám định Tư pháp hiện nay là quá cứng nhắc và đề xuất phải có những quy định mở để khỏi “bó tay’ cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại Dự thảo Luật Giám định Tư pháp đang được xây dựng, trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề thì được quyền giám định lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những vụ án có quá nhiều kết quả giám định, khiến cơ quan tố tụng rất khó phân xử, thậm chí đi vào bế tắc. Quá trình tố tụng bị kéo dài do phải trưng cầu nhiều lần và kết quả thì mỗi lần một khác.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này nếu không sẽ giám định lại tràn lan, còn đương sự thì mặc sức… khiếu kiện

Cũng theo dự thảo mới, việc giám định lại phải do người giám định tư pháp, tổ chức khác thực hiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ông Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an không đồng tình với quy định này: chỉ nên quy định người khác thực hiện giám định lại mà không phải là tổ chức vì hiện nay chúng ta không có nhiều tổ chức giám định.

Còn Luật sư Nguyễn Văn Chiến thì lưu ý: quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp về người giám định lại đang mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng Hình sự, do đó Luật Giám định tư pháp cần khắc phục vấn đề này.

Giám sát cả hoạt động trưng cầu

Để hạn chế những sai sót trong giám định, Dự thảo Luật Giám định Tư pháp quy định: tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có liên quan; người được phân công thực hiện giám định phải bồi hoàn thiệt hại cho tổ chức chủ quản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo đại diện của Viện Pháp y Quốc gia thì kết luận giám định phụ thuộc nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của giám định viên. Hiện nay nhiều giám định viên không được đào tạo chính quy, vì thiếu nên nhiều địa phương bổ nhiệm cả bác sỹ bất kể chuyên khoa nào dù chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, trang thiết bị để giám định do không được quan tâm nên thiếu thốn, lạc hậu, tính chuyên dụng không cao.

Cũng theo con số mà Viện Pháp y đưa ra năm 2010, chỉ tính riêng ở viện này đã giám định lại 156 trường hợp giám định thương tích mà đại đa số  đã giám định tại địa phương, nhiều kết quả khác nhau, có trường hợp sai lệch lớn.

Tương tự, trong 38 ca giám định lại trên hồ sơ về giám định tử thi nhiều vụ mâu thuẫn về kết luận. “Trình độ giám định viên hạn chế, làm việc trong điều kiện thiếu thốn, quy trình quy chuẩn kỹ thuật chưa có hoặc chưa thống nhất… vậy làm thế nào để xác định lỗi mà bồi thường?”, đại diện Viện Pháp y Quốc gia đặt câu hỏi và đề nghị chỉ khi cố ý kết luận sai mới phải bồi thường.

Bên cạnh quy định về bồi thường thiệt hại, nhiếu ý kiến đề nghị cần có cơ chế giám sát đối với hoạt động giám định tư pháp để tránh và hạn chế tiêu cực, tắc trách. Thậm chí, giám sát kể cả hoạt động trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng để tránh giám định tùy tiện.

PV Nội chính 

Đọc thêm