Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thuế thu nhập doanh nghiệp

Các quy định về căn cứ tính thuế được quy định rõ ràng, minh bạch: chỉ liệt kê các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, các khoản chi của doanh nghiệp không thuộc các khoản chi không được trừ và là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có hoá đơn chứng từ hợp pháp thì doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Theo Chinhphu.vn, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Ảnh minh họa

Theo Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, chính sách thuế TNDN quy định tại Nghị định số 124/2008/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt. Cụ thể, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông hạ từ 28% xuống 25% đã góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.

Các quy định về căn cứ tính thuế được quy định rõ ràng, minh bạch: chỉ liệt kê các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, các khoản chi của doanh nghiệp không thuộc các khoản chi không được trừ và là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có hoá đơn chứng từ hợp pháp thì doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Quy định này đã tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tự giác hạch toán, kê khai đầy đủ rõ ràng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 124/2008/NĐ-CP cũng đã phát sinh một số vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chính sách thuế TNDN, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ sử dụng lao động là người bị nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện (từ 51% trở lên xuống còn từ 30% trở lên như tỷ lệ đề xuất áp dụng đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật) để khuyến khích doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với Nhà nước, tiếp nhận và sử dụng lao động là người bị nhiễm HIV, người sau cai nghiện, đồng thời tạo cơ hội cho những người lao động này tái hoà nhập cộng đồng.

Đồng thời cần bổ sung thêm tiêu chí ràng buộc để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng trục lợi, ví dụ như tiêu chí về quy mô tối thiểu về số lao động sử dụng; tiêu chí về lĩnh vực, ngành nghề như: không bao gồm các ngành nghề thuộc tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính,...

Phân tích về lý do đề xuất sửa đổi nêu trên, Vụ Chính sách thuế cho biết, ngày 17/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật người khuyết tật, trong đó tại Điều 34 quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được miễn thuế TNDN.

Do đó, quy định về tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật này cũng cần được cập nhật vào Nghị định sửa đổi Nghị định số 124/2008/NĐ-CP để phù hợp với quy định của Luật người khuyết tật. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật từ 30% trở lên trong tổng số lao động sẽ được miễn thuế đối với thu nhập từ sản xuất kinh doanh (thay vì tỷ lệ từ 51% trở lên như quy định tại Nghị định số 124/2008/NĐ-CP hiện hành).

Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 124/2008/NĐ-CP quy định thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có sử dụng từ 51% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV được miễn thuế TNDN.

Tuy nhiên, do đặc thù của những người lao động bị nhiễm HIV, người sau cai nghiện là có hạn chế về sức khoẻ, đặc biệt là sức khoẻ tinh thần, năng suất lao động không cao, khó quản lý (nhất là người sau cai nghiện), hay ốm đau (người nhiễm HIV)... , nên quy định ưu đãi thuế như nêu trên tại Nghị định số 124 còn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tiếp nhận những người lao động này vào sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn. 

Đức Vinh (tổng hợp)