Quay đi quay lại đã bị “bắt” con
Vụ án ly hôn đã được TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên phúc thẩm sáng 8/12 vừa qua. Nguyên đơn là chị Hà Thị Cam Tuyền (SN 1986, HKTT thôn Thống Nhất, xã Cam Phước Đông, TP.Cam Ranh, hiện ở đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM).
Bị đơn là anh Trương Văn Phước (SN 1985, ngụ thôn Thống Nhất, xã Cam Phước Đông, TP.Cam Ranh). Sau phiên sơ thẩm bị tòa buộc giao con cho vợ, anh Phước kháng cáo.
Theo chị Tuyền trình bày, trong thời gian chờ TAND TP Cam Ranh xét xử ly hôn, con chị là cháu Trương Thị Thủy Tiên (SN 25/3/2014) hiện mới 18 tháng tuổi đang còn bú và ở với mẹ. Ngày 18/8/2015, chị bế cháu về gia đình chồng để dự phiên tòa, nhưng phiên tòa bị hoãn. Hai mẹ con ngủ lại nhà bố cháu dù đang chờ ly hôn ở thôn Thống Nhất.
Sáng 19/8/2015 sau khi thức dậy đi vệ sinh cá nhân, chị quay vào đã thấy con “biến mất” không còn ở trong nhà. Hỏi má chồng, bà này không trả lời mà bỏ đi. Không thấy chồng đâu, chị gọi nhiều cuộc, chuông đổ nhưng không ai bắt máy.
Ba ngày sau chị làm đơn trình báo Công an TP Cam Ranh. Đơn viết: “Tôi và chồng tôi đang trong thời gian chờ ly hôn. Tôi bị nhà chồng ruồng rẫy không cho ở trong nhà, buộc tôi phải đi ở nhờ nhà người khác để tìm con. Con tôi đang trong thời gian bú mẹ, tôi rất hoang mang, không biết hiện cháu đang ở đâu, sức khỏe như thế nào. Cháu chỉ mới 18 tháng tuổi và bị suy dinh dưỡng nặng”.
Đơn viết tiếp: “Gia đình chồng tôi cũng biết rất rõ là mỗi tháng kể từ ngày 19/6/2015 cháu phải đều đặn vào TP.HCM khám bệnh và cần uống nhiều thuốc để chữa trị. Tôi sợ trường hợp xấu xảy ra nếu cháu không được uống thuốc và chăm sóc theo yêu cầu của bác sĩ”. Lá đơn cũng được gửi đến Hội phụ nữ TP Cam Ranh, Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Ngày 18/9/2015 TAND TP Cam Ranh mở phiên tòa đưa vụ việc ra xét xử. Dù đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng anh Phước vẫn không đến nên tòa vẫn tiếp tục làm việc. Theo Tòa, chị Tuyền và anh Phước tự nguyện kết hôn với nhau, được UBND thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cấp đăng ký kết hôn vào năm 2009.
Quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn, anh Phước thường xuyên rượu chè, chửi bới, đánh đập vợ, tính tình gia trưởng. Khi mâu thuẫn xảy ra, anh chị không bàn bạc tìm cách vượt qua mà lại sống mỗi người một nơi khiến quan hệ vợ chồng càng lạnh nhạt, xa cách.
Xét thấy mâu thuẫn đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, tòa chấp nhận cho chị Tuyền ly hôn với anh Phước.
Về vấn đề nuôi con, tòa nhận định khi cha mẹ ly hôn, việc giao con chưa thành niên cho ai trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục cũng nhằm bảo đảm cho trẻ sự phát triển tốt nhất cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Hiện cháu bé còn quá nhỏ rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Chị Tuyền có nơi cư trú và công việc ổn định nên HĐXX được nuôi dưỡng chăm sóc con. Anh Phước phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1 triệu cho đến khi con đủ 18 tuổi.
A
nh Phước và chị Tuyền tại phiên phúc thẩm
|
Nếu không giao con, có bị xử lý hình sự?
Sau phiên xử, anh Phước mới xuất hiện, làm đơn kháng cáo đòi quyền nuôi con. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh cho rằng cuộc sống chung đôi khi có mâu thuẫn lặt vặt vì cha mẹ anh thường kình cãi nhau, thêm vào đó là công việc của anh làm nghề cơ khí thường phải đi ra ngoài quan hệ nhậu nhẹt.
“Vợ tôi không thông cảm mà còn nói nhiều khiến tôi căng thẳng, đôi khi không làm chủ được mình, mới đánh vợ. Tôi đồng ý ly hôn nhưng xin được nuôi con. Vợ cũ tôi công việc nhà cửa không ổn định, không có khả năng nuôi con”, người đàn ông nói.
Tòa hỏi: “Anh thường xuyên đi làm xa sao nuôi con được, phải giao cho nội nuôi, thì sao không để cho mẹ cháu nuôi một thời gian, con lớn rồi tính sau”.
Anh Phước vẫn cương quyết không đồng ý: “Vợ tôi làm nghề tóc không đủ tiền nuôi con, hơn nữa môi trường bên phía ngoại không đảm bảo, còn nhiều chuyện khác...”.
Ngược lại, chị Tuyền khẳng định mình đủ điều kiện nuôi con, dù nghèo nhưng nghề tóc làm liên tục nên mỗi tháng thu nhập bình quân 6 triệu. Tòa hỏi chị hiện giờ con đang ở đâu, thiếu phụ lại rơi nước mắt trả lời không biết đang ở đâu, chị cầu cứu công an giúp đỡ thì được trả lời tòa chưa giải quyết nên theo luật không can thiệp.
Trước giờ nghị án, một vị thẩm phán cảnh báo anh Phước, nên nói rõ con anh đang giữ nuôi ở đâu để sau này còn thi hành án, bắt con đi giấu không phạm tội bắt cóc, nhưng có thể là phạm tội không chấp hành bản án theo Điều 304 BLHS. Người đàn ông vẫn im lặng một hồi, chỉ đòi nuôi con.
Sau khi thảo luận, Tòa tuyên án, bác kháng cáo của anh Phước, giữ nguyên án sơ thẩm. Người vợ nước mắt nhạt nhòa, không phải vì chia tay chồng, mà vì nỗi thương con không biết giờ này đang bị chồng “giấu ở đâu”.
Án phúc thẩm sắp có hiệu lực, vậy nếu anh Phước vẫn không giao con, có bị xử lý hình sự không? Bình luận về vấn đề này, một luật sư cho hay, dù BLHS quy định “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, nhưng thực trạng nhiều hành vi dạng này chưa bị xử lý hình sự.
Lý do việc hướng dẫn BLHS còn chưa đầy đủ. Tội danh chỉ quy định chế tài mà chưa có hướng dẫn cụ thể về các yếu tố cấu thành tội danh không chấp hành án và thế nào là “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết” nên khó cho các cơ quan tố tụng trong việc khởi tố, truy tố và xét xử.
Việc ít xử lý không chỉ hoàn toàn do nguyên nhân kể trên, mà ít tiền lệ, nên loại tội phạm này còn xa lạ với cơ quan tố tụng, dẫn đến việc nơi còn tâm lý e ngại hoặc bỏ mặc. Đó cũng là những điều cơ quan làm luật cần lưu ý để bổ sung, sửa đổi.
Lá đơn của chị Tuyền
“Cuộc hôn nhân giữa tôi với anh Phước thật sự là một cuộc hôn nhân đẫm nước mắt. Tôi được anh Phước thương yêu và cưới chỉ sau một tháng tìm hiểu. Đang ở Sài Gòn với nghề làm tóc và làm móng có thâm niên, tôi theo chồng về đây sinh sống.
Sau thời gian đầu chung sống, anh Phước mới bộc lộ là người đàn ông không có trách nhiệm với gia đình. Sau khi tôi sinh con anh ta bỏ bê, thậm chí đánh đập tôi nhiều lần.
Tôi đã cố gắng nhẫn nhịn để êm ấm cửa nhà. Thế nhưng hạnh phúc không mỉm cười với tôi khi con tôi bị suy dinh dưỡng nặng, tôi phải chạy chữa rất lâu. Chồng bỏ bê không quan tâm đến con, không lo lắng và không hề có một lần nào đưa con đi cùng tôi khám bệnh cho cháu.
Anh Phước lấy lý do công việc, nhậu nhẹt có khi đến 1 -2h sáng mới về. Tôi phải sống trong cảnh bị thờ ơ, ruồng rẫy vì gia đình chồng không tôn trọng, suốt ngày coi khinh nghề làm tóc.
Thời gian con ốm đau bệnh tật mọi chi phí đều do tiền tôi bỏ ra, còn chồng mỗi tháng chỉ đem về được một triệu, dù lương anh ấy một tháng 10 triệu như tôi được biết. Nhưng anh ấy lại xin lại mỗi ngày một ít, thậm chí nếu tính toán thì không còn đồng nào cho vợ con.
Tôi vẫn nhịn, không hề nói năng hỗn láo, nói tầm bậy hay xúc phạm chửi bới. Tôi cố gắng nhưng sức chịu đựng có giới hạn, tôi không thể sống nổi trong một gia đình chồng mà bố mẹ chồng thường xuyên cãi lộn, chửi bới nhau, không nề nếp; chồng thì nhậu nhẹt, thiếu tình thương trách nhiệm với vợ; cả gia đình chồng thờ ơ, lạnh nhạt với tôi. Họ không hề nói chuyện hay tạo một cơ hội nào để tôi được nói chuyện với họ. Tôi sống dường như chỉ là tồn tại, không hề có một tiếng nói trong gia đình.
Những điều đó sẽ kìm hãm sự phát triển của con tôi. Tôi không thể để cháu lớn lên trong một môi trường như thế. Cứ kéo dài sẽ hình thành tư tưởng suy nghĩ sai lầm, dễ trầm uất, cộc cằn.
Tôi khẩn thiết yêu cầu quý tòa xem xét tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh cho tôi được ly hôn để giải thoát. Hiện tại ngoài con ra, tôi không còn cần một thứ gì khác nữa”.