Đưa Cà Mau trở thành “cực tăng trưởng” của vùng

(PLO) - Ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nói về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và phương hướng của những năm tới của Đảng bộ tỉnh.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ tỉnh Cà Mau đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. 
Nhận định thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi còn không ít những khó khăn, Bí thư Dương Thanh Bình nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khẳng định quyết tâm của Đảng bộ và quân, dân Cà Mau trong việc tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đồng thời tích cực vận động nhân dân đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 
Chúc mừng những thành tựu mà Cà Mau đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, ông có thể thông tin một số điểm nổi bật của địa phương?
- Những điểm nhấn nổi bật của Cà Mau đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 có thể nhắc đến là kinh tế duy trì tăng trưởng khá; tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 8,3%/năm; cơ cấu kinh tế với tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 39,2% xuống 36,1%; thương mại - dịch vụ tăng từ 24,2 lên 27,6%... Các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng tiếp tục phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư; công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch thực hiện khá tốt.
Việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược đạt được một số kết quả tích cực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có một số công trình trọng điểm, then chốt tạo động lực phát triển; các công trình trọng điểm được đầu tư đưa vào sử dụng như: Cầu Đầm Cùng, cầu Năm Căn, đường Quản lộ Phụng Hiệp; đường hành lang ven biển phía Nam; đường Hồ Chí Minh; khu tưởng niệm Bác Hồ; đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông nông thôn; các công trình thủy lợi, lưới điện, bệnh viện, trạm y tế, trường học, công trình văn hóa - thể thao… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân tiếp tục cải thiện. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến rõ nét, nội bộ đoàn kết, nhất là trong các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt. 

Tỉnh Cà Mau cũng triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau 
Với sự đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thưa ông?

- Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; kêu gọi đầu tư, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tính kết nối cao nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng phát huy tối đa nội lực, tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh, tăng cường liên kết phát triển, nhất là liên kết vùng, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào 4 nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Thứ nhất là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển. 
Thứ hai là, triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu kinh tế, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; khai thác tốt, phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp chế biến; có chính sách đột phá phát triển vùng kinh tế nội địa, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế khu vực hệ sinh thái mặn, hệ sinh thái ngọt; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển vùng kinh tế ven biển và kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, du lịch; chú trọng xây dựng và chỉnh trang đô thị. 
Thứ ba là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. 
Thứ tư là, tập trung giải quyết có hiệu quả những bức xúc của xã hội, tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...
Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sẽ đóng góp gì vào sự phát triển kinh tế vùng?
- Thời gian qua, Cà Mau tăng cường mối liên kết kinh tế, nhất là liên kết vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chúng tôi cũng tập trung đầu tư phát triển các vùng kinh tế trong tỉnh, như vùng kinh tế nội địa, vùng kinh tế biển và ven biển; quy hoạch, đầu tư phát triển các khu dịch vụ kinh tế biển tại thị trấn Sông Đốc, thị trấn Cái Đôi Vàm...

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực thực hiện liên kết, hợp tác với khu vực, TP HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh. 

Đặc biệt, tham gia điều phối phát triển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL theo chủ trương liên kết vùng để Cà Mau trở thành “cực tăng trưởng” của cả vùng ĐBSCL; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện liên kết khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng (vùng kinh tế biển, ven biển và vùng kinh tế nội địa), từng lĩnh vực, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm