Đừng bắt lỗi bức tượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày vừa qua, một số phương tiện truyền thông đưa tin dày đặc, đeo bám quyết liệt sự kiện cơ quan chức năng Sa Pa (Lào Cai) kiểm tra và bàn cách xử lý một cơ sở du lịch tại địa phương này có một số dấu hiệu sai phạm.
Đừng bắt lỗi bức tượng

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một bức tượng lớn mô phỏng bức tượng Nữ thần Tự do tại Mỹ, được đặt tại điểm check-in của một DN tại tổ 4, phường Phan Si Păng, Sa Pa, Lào Cai. Bức tượng chỉ có phần đầu, đặt trên mặt đất, và không giống hoàn toàn “nguyên mẫu” khi hình khối có vẻ méo mó hơn. Một số ý kiến trên mạng xã hội bình luận rằng bức tượng “xấu đau xấu đớn”, “phiên bản lỗi”, “phiên bản đột biến”… và cho rằng cần dẹp bức tượng vì “không đảm bảo mỹ thuật”, “mất mỹ quan”, “ảnh hưởng du lịch”.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sa Pa sau đó đã kiểm tra địa điểm này, đưa một số nhận xét, trong đó có ý kiến “tượng không đảm bảo quy định về pháp luật, cũng như các tiêu chí về mỹ thuật”, nên đã yêu cầu chủ cơ sở này dừng ngay hoạt động đón khách tham quan.

Hàng loạt bài viết trên các phương tiện truyền thông, hàng loạt ý kiến trên mạng xã hội, sau đó đã “ném đá” thậm tệ bức tượng này, tiếp tục cho rằng bức tượng “xấu ma chê quỷ hờn, thiếu tính thẩm mỹ” này “vi phạm bản quyền”, cần bị “xử lý”, thậm chí đòi đập bỏ. 

Bắt lỗi “như đúng rồi”, nhưng có điều lạ là những “anh hùng bàn phím” không nhắc đến chuyện tại điểm check-in này có cả một thế giới thu nhỏ với mô hình nhiều công trình, tác phẩm nổi tiếng trên thế giới như tháp nghiêng Pisa (Ý), tháp Eiffel (Pháp), đường hoa Nhật Bản, khu phố cổ Nhật Bản, đường trúc Trung Hoa, làng cổ Việt Nam, đường phong lá đỏ… Tuy thế, chỉ có tượng Nữ thần Tự do bị “ném đá”.

Theo những trích dẫn trên báo, một số cán bộ thẩm quyền tại Sa Pa cũng dường như đã quên vấn đề chính vì sao điểm check-in này bị yêu cầu ngưng đón khách. Lỗi không đến từ bức tượng. Doanh nghiệp này có dấu hiệu sai phạm khi tổ chức điểm du lịch tự phát; khu đất diện tích 1,7 ha nhưng chỉ 300m2 đất thổ cư, còn lại là đất rừng sản xuất. Điểm du lịch này đang trong quá trình xây dựng, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn để đón khách tham quan du lịch.

Bức tượng hoàn toàn không có lỗi, chẳng vi phạm quy định pháp luật nào và trên đời cũng chẳng có một tiêu chí nào áp dụng cho bức tượng dạng này. Nếu so sánh với các chuẩn mực kinh điển thì bức tượng quá xấu, nhưng nếu nhìn nhận đó là một sáng tác kiểu dân gian, hoặc một tác phẩm của nghệ sĩ có ý tưởng châm biếm thì lại thú vị, ít nhất ở sự ngây thơ, không chép y nguyên. Trên thế giới và thậm chí ở Việt Nam, cũng có không ít tác phẩm tạo hình lấy cảm hứng từ bức tượng đang đặt ở Mỹ. Thế nên nếu nói “tượng không đảm bảo quy định về pháp luật, cũng như các tiêu chí về mỹ thuật”, là nói lấy được. 

Nói cách khác, nếu muốn bắt lỗi một tổ chức cá nhân nào đó, trước tiên phải đúng luật, sau đó phải sòng phẳng và có cái nhìn đa chiều. Đừng hùa theo cái gọi là “cộng đồng mạng” để có những hành vi “ăn hiếp trên mạng”, sẽ không chỉ làm thui chột đi sự sáng tạo, mà còn làm nản chí chùn chân các doanh nghiệp. Chính quyền cũng phải thể hiện vai trò dìu dắt hướng dẫn chỉ đạo cá nhân doanh nghiệp bằng cách hướng dẫn cụ thể muốn xây dựng địa điểm du lịch thì phải thực hiện đầy đủ theo quy trình quy định ra sao ngay từ lúc nhà đầu tư có ý tưởng, chứ đừng để sự việc xảy ra rồi mới “rà soát” quy định, khó cho việc khắc phục hậu quả. 

Đọc thêm