Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh cô giáo cắt tóc nữ sinh trên bục giảng. Trong video, cô giáo nói “tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho bạn biết, vì tôi đã nhắc từ trước, bạn nói nhuộm lại nhưng nay vẫn còn”, rồi cắt một nắm tóc của nữ sinh. Em này giải thích đã nhờ bạn cắt hết phần light tóc vàng nhưng giáo viên không chấp nhận.
Báo cáo của Sở GD&ĐT nơi xảy ra sự việc cho biết sự việc xảy ra vào buổi học sáng 22/3. Theo bản tường trình của cô giáo, từ sau Tết Nguyên đán, cô đã nhiều lần nhắc nhở học sinh trong lớp nhuộm lại tóc, duy nhất nữ sinh trong clip chưa thực hiện. Em này vẫn còn phần tóc nhuộm sáng màu phía sau gáy. Trong khi đó, nữ sinh giải thích đã đến tiệm để nhuộm lại nhưng do tóc yếu, em được khuyên chờ dài hơn để cắt. Sáng 22/3, trước khi giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, em đã nhờ bạn cắt bỏ phần nhuộm nhưng không hết. “Khi kiểm tra, cô giáo rất bực, muốn xử lý làm gương nên dùng kéo cắt một lọn tóc phía trên của học trò”, Sở cho biết.
Tại buổi làm việc một ngày sau đó, cô giáo cắt tóc nữ sinh trước lớp, đã nhận lỗi về hành vi “nóng nảy và sai trái” của mình. Trước đó, cô cũng đến nhà học sinh để xin lỗi gia đình. Về phía học sinh, em này được cho là đã cùng cô giáo nhận lỗi, rút kinh nghiệm trước lớp. Còn có hình ảnh cô trò ôm nhau sau sự việc.
Theo những diễn biến như nêu trên thì cả cô và trò trong sự việc này cùng có lỗi. Học trò vi phạm nội quy của trường, là không cho phép để tóc nhuộm. Cô giáo sai vì đã áp dụng biện pháp “cưỡng chế” học sinh.
Nhưng dư luận còn “băn khoăn đến cùng” một vấn đề, là Bộ GD&ĐT không có quy định cụ thể; thì việc cấm học trò nhuộm tóc và trang điểm; có nên không? Thực tế, quy định này có mặt trong nội quy của nhiều trường học, cả công và tư. Ngay trong ngày 23/3, một tờ báo điện tử đã thực hiện một cuộc khảo sát. Và trong hơn 12.200 người trả lời khảo sát, có 55% cho rằng học sinh THPT nhuộm tóc là bình thường, nhà trường không cần cấm; trong khi đó 45% ý kiến ngược lại.
Tỷ lệ 45/55 quả là rất “khó xử”, khó bình luận; người nhìn nhận việc học sinh nhuộm tóc thuộc về sở thích cá nhân, trường học có thể để các em quyết định màu sắc mình thích; người cho rằng cấm học sinh nhuộm tóc là cần thiết, góp phần giáo dục nhân cách học sinh; mỗi em một màu tóc tạo ra tình trạng bát nháo, lổn nhổn, không còn là môi trường giáo dục.
Dung hòa nhất, có lẽ là những ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở cách xử lý khi học sinh vi phạm nội quy. Ngày nay, thế hệ trẻ dám thể hiện cá tính, dám đối thoại với giáo viên, nên cách giáo dục cũng cần khác đi. Giáo viên không thể ép các em làm theo ý mình ngay lập tức; càng không nên “cưỡng chế”. Thay vào đó, cần kiên nhẫn hơn, gần gũi, làm bạn với học trò. Khi học sinh mắc lỗi, nhiệm vụ của thầy cô là tìm biện pháp giáo dục, không phải “trừng trị, cưỡng chế”. Tùy lỗi, giáo viên có thể làm việc trực tiếp với học sinh, báo nhà trường hoặc liên lạc với gia đình. Và muốn áp dụng nội quy trơn tru, học sinh phải được giáo dục nhận thức trước, để các em biết, hiểu, chấp nhận và thực hiện một cách vui vẻ.