Góp ý về dự thảo sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, ĐBQH K`Nhiễu tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần có chính sách và cơ chế đồng bộ để khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, các trường, các Sở công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, việc thu hút công nghệ từ các nước tiên tiến là một yêu cầu cấp thiết, chúng ta có một động lực, có những tri thức đang làm chủ công nghiệp, công nghệ tiên tiến, cần có chính sách thu hút tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nguồn lực này.
ĐB cũng đề nghị cần có các định chế trung gian trên thị trường công nghệ để hình thành và phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực, cơ sở dữ liệu công nghệ và cơ chế hoạt động; Cần có chính sách riêng cho hoạt động chuyển giao công nghệ, để phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thẩm định công nghệ các dự án đầu tư quy định tại Chương II. Điểm e, Khoản 1, Điều 17 dự thảo luật quy định một trong những nội dung của công nghệ của hồ sơ dự án đầu tư trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư là đánh giá sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ với môi trường là chưa chặt chẽ.
“Tôi thấy rằng mức độ đánh giá sơ bộ như dự thảo luật quy định hiệu quả đã đủ cơ sở khoa học và pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hay chưa nhất là những dự án lớn, quan trọng, những bài học đắt giá về việc đầu tư, những công nghệ lạc hậu đã trở thành bãi thải công nghệ. Về việc đầu tư những công nghệ lạc hậu, những dự án đầu tư gây sự cố môi trường đã xảy ra không cho phép chúng ta dễ dãi trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay. Tôi cho rằng cần nghiên cứu xem xét quy định các hồ sơ phải đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường.” ĐB nói.
ĐB Lê Quân - TP Hà Nội - nhận xét đây là những dự thảo luật rất có ý nghĩa để đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo cũng như tháo gỡ cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao. Theo ĐB, luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí cho doanh nghiệp.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan - Bắc Ninh- đề nghị bổ sung khái niệm công nghệ lạc hậu vào Điều 3 của dự thảo luật vì lý do như sau: “Chúng ta đã và đang phải gánh chịu hậu quả của việc chuyển giao một số công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chưa luật hóa thế nào là công nghệ lạc hậu nên nhiều cá nhân, tổ chức đã bị vướng mắc khi thực hiện việc chuyển giao công nghệ, gây ảnh hưởng không nhỏ cho chính cá nhân và tổ chức có liên quan, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta.”
Góp ý của bà trên cơ sở dựa vào Thông tư số 23 ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học, Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, trong kiến nghị bổ sung khái niệm công nghệ lạc hậu, là những giải pháp quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm nhưng không được áp dụng trong thời gian 10 năm hoặc đã được đăng ký, sản xuất, áp dụng quá 10 năm, và không phù hợp với quy chuẩn, kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia về công nghê.
Góp thêm một số ý kiến liên quan đến vấn đề này, bà cho rằng, nếu không có quy định rõ ràng, nhiều kết quả không được chuyển giao, nhà khoa học không có thu nhập, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu còn dự án bị đắp chiếu, đề tài bị bỏ ngăn kéo
Lo sợ kẽ hở trong quá trình chuyển giao công nghệ, ĐB Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn – đề nghị xem lại Điều 11 Dự thảo luật: “Tôi cho rằng còn có điểm chưa hợp lý cần được cân nhắc. Khoản a quy định: "Công nghệ kèm theo máy móc thiết bị cũ hiệu suất năng lượng thấp", quy định này sẽ mâu thuẫn với Khoản 6, Điều 5 "ngăn chặn loại bỏ công nghệ lạc hậu". Mặc dù việc chuyển giao công nghệ phải được cấp phép nhưng rõ ràng sẽ có những khe hở trong quá trình thực hiện. Điều này không khắc phục được tình trạng nguy cơ biến nước ta thành nơi chứa các sản phẩm công nghệ thiết bị lạc hậu mà có khi tới 2 đến 3 thế hệ như vừa qua. Tôi đề nghị bỏ Khoản a, Điều 11 để bảo đảm tính ngăn ngừa, cũng như tính nhất quán trong các nội dung chính sách” – ĐB góp ý.
Liên quan đến từ ngữ, Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cho rằng giải thích Công nghệ tiên tiến "là công nghệ có trình độ cao hơn công nghệ cùng loại" là không phù hợp. Vì công nghệ có thế hệ thứ nhất, mình nhập thế hệ thứ hai là thế hệ cao hơn. Thế hệ ấy có thể mới, chưa sử dụng do tồn kho mình nhập vào nhưng thực tế công nghệ ấy cũ rồi, thế giới dùng công nghệ thứ tư, thứ năm.
ĐB Châu Quỳnh Dao - Kiên Giang - chia sẻ: “Chúng ta thấy rằng Luật chuyển giao công nghệ thời gian qua đã cởi mở về quy định hợp đồng chuyển giao công nghệ. Thực tế 10 năm chúng ta chưa đạt được mục tiêu này. Hiệu ứng tạo sự lan tỏa về công nghệ giữa khu vực FDI và khu vực trong nước còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục tình trạng này, theo bà Châu Quỳnh Dao, điều đầu tiên là cần sớm hoàn thiện cơ chế và ban hành những giải pháp chặt chẽ, đồng bộ và mang tính đột phá hơn so với dự thảo hiện hành. “Hy vọng những điểm này chúng ta mau chóng góp phần thực hiện tốt hoạt động chuyển giao công nghệ theo đúng tinh thần của pháp luật để hạn chế tối đa việc chuyển giao những công nghệ lỗi thời, lạc hậu, gây nên những hệ lụy rất đáng buồn cho đất nước Việt Nam”, ĐB nói.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà - đề nghị Luật phải có những quy định chặt chẽ, phải bảo đảm khâu quản lý thật tốt để ngăn ngừa, hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển bền vững của quốc gia.