Kết quả là do phấn khích cộng với sự thúc ép, cổ vũ từ nhiều phía, chú rể đã lần lượt uống hết 20 ly rượu. Trò chơi này sau đó đã nhận sự chỉ trích của nhiều người: Ngày cưới là ngày bận rộn và mệt mỏi nhất, cô dâu, chú rể cần có sức khỏe, việc chú rể uống 20 ly rượu 1 lúc có khả năng gây hại đến sức khỏe, thậm chí có thể gây ngộ độc rượu.
Trò chơi thách đấu trong đám cưới thường thấy nhiều ở các bạn trẻ các nước châu Á. Tuy nhiên, hầu hết các trò chơi đều theo kiểu vui chơi lành mạnh như giải đố, cõng cô dâu, các trò chơi kéo co... Sáng tạo kiểu “thách uống rượu” như ở Việt Nam hầu như chưa có.
Đây không phải là lần đầu người ta được chứng kiến cảnh những người trẻ thách thức nhau trong những cuộc chơi bia rượu. Một trò chơi khá phổ biến trên mạng xã hội được nhiều bạn trẻ Việt tham gia là thử thách “uống rượu lấy tiền”.
Mỗi một ly rượu có một số tiền dằn dưới đáy ly. Cứ số ly càng nhiều, mệnh giá tiền càng cao. Trò chơi này hầu như của các chàng trai thách đố các cô gái trong những bữa tiệc rượu. Có cô gái uống đến vài chục ly rượu, lấy về vài triệu đồng trong tiếng reo hò cổ vũ của người xung quanh (!).
Nói cho cùng, những trò chơi nguy hiểm như thế xuất phát từ thói quen vô ý thức của một bộ phận người Việt: thói quen ép nhau bia rượu. Từ trong bàn tiệc, bàn nhậu, người ta đã thường thấy những cảnh kiểu như: Uống 50%, uống 100%, uống đúng tour, không được bỏ vòng nào, không say không về.
Hoặc những trò chơi đổ các loại bia, rượu, nước ngọt với nhau xem ai dám uống nhiều nhất. Những “nội quy ăn nhậu” cũng được truyền nhau như một trò đùa, nhưng thực tế phản ánh thái độ của nhiều người trên bàn nhậu: Muốn “chơi đẹp”, phải “uống tới cùng”!
Ép nhau, rồi khích bác, cãi cọ, để rồi sinh ra mâu thuẫn, ẩu đả... Hoặc những tai nạn giao thông sau những cuộc nhậu “tới bến” để lại hậu quả thương tâm cho chính mình, cho nạn nhân của mình và cho người nhà.
Ở rất nhiều quốc gia văn minh, rượu là một món giải khát dùng để thưởng thức. Người ta đem trái cây để ủ rượu bia, người ta nhấm nháp để phân biệt vị của rượu lâu năm hay ít năm... Rượu bia chỉ là chất xúc tác để chuyện trò, để bữa ăn thêm thi vị. Hiếm có đất nước nào, rượu bia dùng để thách thức, thách đố, ép nhau... nhằm chứng tỏ bản lĩnh như ở Việt Nam.
Những thói quen xấu xí và gây hại, cho dù bén rễ sâu đến đâu cũng cần từ bỏ. Câu chuyện ép rượu bia cũng thế. Những năm gần đây, đã có nhiều tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng lẫn những người trẻ có ý thức lên tiếng. Hy vọng rằng, người trẻ chính là thế hệ chủ chốt trong việc tác động cho sự đổi thay, bỏ đi tư duy nhậu nhẹt để hình thành thói quen “uống có văn minh”.