Được xây nhà trên đất 5% hay không?

(PLVN) - Hiện nay, ở khu vực nông thôn thì ngoài đất ở, đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm còn một loại đất khác gọi là đất nông nghiệp 5%. Vậy đất 5% là gì? Và người dân xây nhà trên đất 5% có đúng quy định của pháp luật hay không?
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đất 5% là gì?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Giáp Văn Đức (Công ty Luật TGS, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, bản chất của đất 5% là bắt nguồn từ trước khi Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Khi người nông dân góp ruộng đất của mình vào Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất nông nghiệp thì được Nhà nước trích lại 5% để người dân tự sản xuất hoặc làm quỹ đất chung cho Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất.

Sau năm 1986, Nhà nước tiến hành cải cách mở cửa nền kinh tế thì có địa phương phải đến những năm 1993 mới hoàn thành việc giải thể Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất.

“Như vậy, đất 5% là đất được Nhà nước giữ lại 5% trên tổng số diện tích đất nông nghiệp được nông dân góp đất vào Hợp tác xã làm quỹ đất công ích của địa phương hoặc Hợp tác xã trích 5% quy đất nông nghiệp giao cho cá nhân, hộ gia đình để tự phát triển kinh tế. Từ đó mọi người thường gọi là đất 5% cho dễ hiểu chứ pháp luật không quy định có loại đất nào là đất 5%” – Luật sư Đức cho biết.

Tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì đất đai được phân thành 3 nhóm gồm: Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Đất 5% hiện tại được phân loại vào nhóm đất nông nghiệp.

Khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai cũng quy định về đất nông nghiệp thì căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Quy định xử lý vi phạm

Xây nhà, trang trại trên đất 5% có vi phạm? Đây là vấn đề đã và đang nhức nhối tại nhiều địa phương, bởi người dân không đồng tình khi có một số hộ dân tiến hành xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp 5% hoặc xây dựng công trình chuồng trại trên đó.

Theo Luật sư Giáp Văn Đức, khi người sử dụng đất muốn xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi thì phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong trường hợp người dân không xin phép mà tự ý xây dựng nhà ở là vi phạm quy định trong Luật Đất đai như Điều 6 quy định về nguyên tắc sử dụng đất là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất và khoản 3 Điều 12 vi phạm điều cấm là sử dụng đất không đúng mục đích. Theo đó, việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tùy vào mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý khác nhau.

Cụ thể, việc xử phạt hành chính căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2014 như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 3 héc ta; Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3 héc ta trở lên. Ngoài ra người vi phạm buộc khôi phục lại hiện trạng đất trước vi phạm, và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm (nếu có). 

Đọc thêm