Dưới mái nhà cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong hành trình tìm hiểu về giá trị ngàn xưa, một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau lan tỏa những vẻ đẹp của di sản kiến trúc trước cơn lốc đô thị hóa. Bắt đầu từ tình yêu với di sản kiến trúc, từ mong muốn khám phá thành phố mình đang ở, họ hiểu được cái đẹp đã qua của di sản và làm nên dự án ý nghĩa với cộng đồng.
Ngôi nhà cổ Trăm cột ở Long An
Ngôi nhà cổ Trăm cột ở Long An

Người trẻ kể chuyện xưa

“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ - Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam (từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20)”, là cuốn sách nghiên cứu có tính dẫn nhập về các công trình kiến trúc Nam Bộ được xây dựng trong phạm vi từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nửa cuối thế kỷ 20.

Nhóm tác giả gồm các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở các tỉnh Nam Bộ. Với họ, các di sản kiến trúc nơi đây đã trở nên quen thuộc và trở thành một phần trong tâm trí. Dự án Tản mạn kiến trúc đã gặt được những kết quả đáng kể, phác họa nên bức tranh tổng quan về tiến trình vận động, những nét đặc trưng và sự phân bố của các công trình kiến trúc cổ khu vực miền Nam.

Thành lập từ năm 2019, nhóm Tản mạn kiến trúc thu hút hơn 37.300 lượt theo dõi từ cộng đồng mạng. Nhóm bắt đầu bằng những bài viết song ngữ Việt - Anh và hình ảnh về các công trình kiến trúc tại TP HCM, dần mở rộng đến nhiều tỉnh, thành lân cận. “Những bài viết, hình ảnh như những bước thể nghiệm đầu tiên để nhắc nhở về ý thức bảo vệ di sản. Do vậy, trọng tâm hoạt động của nhóm là khơi gợi sự hiểu biết và cùng nhau học hỏi. Nhóm chúng tôi cũng là những người trẻ nên chúng tôi có thể hiểu và chia sẻ được nỗi băn khoăn với cộng đồng trẻ, thấu hiểu người trẻ tìm kiếm gì, thiếu hụt những gì để từ đó xây dựng hướng hoạt động tương ứng”, Trương Trần Trung Hiếu, thành viên nhóm chia sẻ.

Nhóm hiện có 7 thành viên đến từ nhiều chuyên môn: kiến trúc, nhân học, nghệ thuật học so sánh, lịch sử, du lịch, từ 18-28 tuổi. Mỗi người một nhiệm vụ, tra cứu tư liệu, đi thực địa, vẽ minh họa và viết nội dung.

Từ những bài viết phân tích về các công trình kiến trúc trong thành phố, nhóm hướng tới khả năng đối thoại cùng cộng đồng và tổ chức những buổi thực địa để kết nối người trẻ yêu di sản cùng nhau đi đến những công trình cụ thể, cảm nhận vẻ đẹp đầy đủ của nó… Trung Hiếu bày tỏ: “Khi trò chuyện với những người sống trong công trình di sản, chúng ta mới có thể tạo ra những thay đổi tích cực, khi suy nghĩ từ góc độ cộng đồng”.

Dù chỉ là một dự án bắt đầu từ mạng xã hội, các thành viên của nhóm đều chăm chút từng câu chữ, nhất là hình ảnh. “Phần lớn hình ảnh đều được nhóm thực hiện, bên cạnh hình ảnh xưa từ các viện lưu trữ. Chúng mình thực hiện các chuyến đi điền dã, để thực hiện các hình ảnh này”, anh Nguyên, thành viên của nhóm chia sẻ.

“Trong quá trình hoạt động cộng đồng, nhóm cũng trải qua một số sự thay đổi về hướng nghiên cứu. Khởi đầu, tụi mình chỉ quan tâm đến các thực thể kiến trúc cụ thể, nhưng dần dần nhận ra tầm quan trọng của con người, là những người sống trong những công trình ấy và cả những người đón nhận và yêu mến di sản. Chỉ khi thực sự quan tâm đến con người thì mới có thể tạo ra những thay đổi tích cực”, Trung Hiếu bày tỏ.

Nói về lý do để người trẻ hướng mối quan tâm về di sản đô thị, về những công trình tuổi đời gấp nhiều lần tuổi mình, các thành viên nhóm cùng quan điểm: “Dự án nào cũng ra đời trong một trạng thái cô độc và những người thực hiện cũng có những giai đoạn mất cảm hứng và muốn bỏ cuộc. Tuy vậy, sự động viên liên tục từ cộng đồng luôn giúp nhóm tiếp tục công việc, để thấy quanh nơi mình sống cũng có những điều thật đẹp và thú vị. Ngay từ đầu, nhóm đặt mục tiêu là lan tỏa tình yêu di sản và không có gì hạnh phúc hơn khi thấy những thông điệp của nhóm được hưởng ứng từ cộng đồng”.

Năm 2021, Tản mạn kiến trúc được Queen’s University Canada mời viết bài cho dự án nghiên cứu kiến trúc thuộc địa và được vinh danh trên tạp chí Heritage (ấn phẩm đầu tiên trên các chuyến bay của Vietnam Airlines về di sản, văn hóa, du lịch của Việt Nam).

Ký ức những ngôi nhà trăm tuổi

Nam kỳ, từ sau năm 1945 gọi là Nam Bộ, là “vùng đất mới” trong bước chân Nam tiến của người Việt, một không gian sông nước với cuộc sống di cư, đời sống thương hồ đặc trưng. Theo thời gian và thích nghi với điều kiện tự nhiên, không gian sống của người Việt tại Nam kỳ cũng dần thay đổi. Từ nhà đạp mang tính chất lưu động đến nhà sàn, từ nửa nền đất nửa sàn đến nhà gỗ truyền thống song hành với quá trình khai khẩn định cư lâu dài.

Kiến trúc Pháp du nhập vào thuộc địa Nam kỳ cùng quân đoàn viễn chinh, lần lượt ở các công trình quân sự, y tế, công cộng, hành chính, tôn giáo… tiếp đó là các công trình dân dụng, nhà ở.

Ở Nam kỳ, những công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp phần lớn được xây dựng ở thập niên 1880, với Palais de Justice (Pháp đình Sài Gòn, nay là Tòa án Nhân dân TP HCM), Hôtel des Douanes (Sở Thuế quan, nay là Bảo tàng Lịch sử TP HCM), Palais du Gouvernement (Dinh Thống soái Nam kỳ, sau là Dinh Toàn quyền, nay là Dinh Thống Nhất), Cathédrale Saïgon (Nhà thờ Ðức Bà), Hôtel des Postes (Bưu điện trung tâm Sài Gòn)...

Theo thống kê của nhóm tác giả Tản mạn kiến trúc, thập niên 1910 - 1930 ở Nam kỳ là giai đoạn “bùng nổ về số lượng các công trình xây dựng mới theo ảnh hưởng Pháp bởi chủ nhân người Việt” với khuynh hướng “tân thời”. Hầu hết những ngôi nhà gỗ còn tồn tại đến nay chủ yếu được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các ngôi nhà này được xây dựng với quy mô to lớn, nhiều trong số chúng là những dinh thự sang trọng của giới quan lại và phú hộ. Một số nhà nghiên cứu trong quá trình đối chiếu các dinh thự giữa ba miền đã kết luận rằng, các dinh thự tại miền Nam thuộc loại sớm và đặc sắc nhất trên cả nước.

Điểm độc đáo trong quan niệm cũng như thực tiễn xây dựng của các ngôi nhà gỗ của người phương Nam là tính liền mạch trong chỉnh thể của ngôi nhà. Bộ phận chuyển tiếp giữa ngôi nhà và môi trường là hàng hiên/hàng ba. Hiên là phần nối dài của mái nhà ra khỏi lòng nhà chính, có thể nằm ở trước nhà, bên hông hoặc sau nhà. Hiên là sự nới rộng của không gian sinh hoạt, là khu vực để bày biện bàn ghế làm nơi thưởng trà, trò chuyện và tiếp khách.

Lớp hiên ở khu vực miền Nam thường rộng hơn các miền khác, nhờ vậy những cơn mưa nặng hạt của vùng nhiệt đới không thể chạm tới nội thất. Xuyên qua lớp tiếp nối này, ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới dần chuyển thành chiều sâu sáng - tối trầm mặc.

Hàng rào, nếu có, thường là những dãy cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, độ cao vừa phải, vắt qua như một ranh giới xác nhận không gian riêng tư, để làm duyên hơn là một rào chông phòng thủ và ngăn cách.

Vườn sau nhà không chỉ là nơi trồng cây, hoa mà nó còn là một không gian sinh hoạt nối dài. Bên dưới tán cây lá, người ta kê những chiếc lu chứa nước và dùng làm khu tắm rửa. Người Việt tắm gội ở vườn trong trạng thái tự nhiên và thoải mái. Và tắm vườn không ít lần được lãng mạn hóa qua các loại hình nghệ thuật thị giác và ngôn từ. Như thế, sinh hoạt của người Việt không kết thúc nơi bức tường khép lại mà mở tràn ra cả thiên nhiên bao quanh.

Và thậm chí ở miền Nam còn xóa nhòa cõi sống và cõi chết, xóa nhòa những nỗi sợ hãi của người sống khi phải ở gần các quần thể được cho là nơi chỉ dành cho người đã khuất… Không gian người sống và người đã mất dường như mở rộng và ôm ấp lấy nhau, truyền cho nhau sự hiện diện của các thế hệ cùng sống trên một mảnh đất của dòng tộc. Khác với các vùng miền khác, khu vực chôn cất người quá cố ở miền Nam không tách thành một khu quy tụ và độc lập với không gian sống mà nằm ngay trong vườn nhà.

Người miền Nam có xu hướng giữ mộ tổ tiên thật gần nơi mình sinh sống, trong mảnh vườn hoặc ruộng lúa để tiện chăm sóc và thăm viếng. Như vậy, các công trình mộ táng cũng là một phần không tách rời nằm ngay trong không gian của người sống. Khi dạo bước dưới những tán cây ăn quả trong vườn nhà, người ta thường xuyên gặp lại những công trình gợi nhắc về đời sống của tổ tiên mình.

Nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “sông sâu nước chảy” là điều kiện phong thủy tiên quyết dẫn đến lựa chọn nơi cư trú. Sông ngòi chảy qua cũng là một yếu tố cảnh quan gắn với căn nhà, tạo ra sự thoáng mở và điều hòa vi khí hậu cho không gian sống.

Theo nhóm nghiên cứu, Tản mạn kiến trúc ra đời khi đứng trước quá trình đô thị hóa và không thể nào tránh khỏi sự phá hủy các công trình di sản, “chúng tôi bắt đầu trăn trở, là những người trẻ thì chúng tôi có thể làm được những gì cho di sản của đất nước. Tản mạn kiến trúc ra đời như một dự án nghiên cứu và truyền thông độc lập, để lưu trữ những tư liệu về các di sản đang dần biến mất”.

Và như thế, chuyến hành trình tìm về các di sản kiến trúc hẳn sẽ được tiếp nối với những câu chuyện mới, những chia sẻ và khám phá mới, nối dài thêm đời sống của những căn nhà cổ đến mai sau…

Đọc thêm