EU sẽ không nhập sản phẩm từ đất rừng bị phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy ban châu Âu đã đưa ra dự thảo luật nhằm giải quyết việc phá rừng bằng cách đưa ra các hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm không được chứng nhận là "không phá rừng".
Nông dân nhiều nước đã phá rừng để trồng các cây công nghiệp như ở làng trồng ca cao Djigbadji của Bờ Biển Ngà. Ảnh: Reuters
Nông dân nhiều nước đã phá rừng để trồng các cây công nghiệp như ở làng trồng ca cao Djigbadji của Bờ Biển Ngà. Ảnh: Reuters

Dự thảo đề xuất, mà Ủy ban hy vọng sẽ trở thành quy tắc ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên, nhằm hạn chế nhập khẩu thịt bò, ca cao, cà phê, cọ, đậu nành và gỗ nếu nó không được chứng minh là “không mất rừng”.

Đề ra luật, Ủy viên EU về chính sách hành động khí hậu, Virginijus Sinkevicius, gọi đây là một đề xuất “mang tính đột phá” sẽ giúp chống lại “nạn phá rừng bất hợp pháp” và “nạn phá rừng do mở rộng nông nghiệp”.

Dự luật được đưa ra sau khi các quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh COP26 đồng ý làm việc để chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Nó sẽ áp đặt hai tiêu chí đối với hàng nhập khẩu, yêu cầu các mặt hàng phải được sản xuất phù hợp với luật pháp của quốc gia xuất xứ, chứ không phải trên đất đã bị phá rừng hoặc suy thoái kể từ đầu năm 2021.

Hiện chưa rõ khi nào các quy tắc sẽ có hiệu lực. Các đề xuất lập pháp của Ủy ban phải được cả Nghị viện EU và Hội đồng EU tranh luận và xem xét trước khi chúng được thông qua. Việc thực hiện các biện pháp có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của EU với các quốc gia như Brazil, nơi việc "dọn sạch" rừng nhiệt đới Amazon đạt kỷ lục mới vào tháng 10.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 gần đây, 110 nhà lãnh đạo thế giới - các quốc gia có khoảng 85% diện tích rừng trên thế giới - đã cam kết chấm dứt và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030, cam kết tài trợ khoảng 14 tỷ bảng Anh (18,84 tỷ USD) cho mục tiêu này.