Nhưng dù khen hay chê thì cũng không nhiều người thật rõ EVN có thành tích gì để đề nghị phong tặng Anh hùng vì Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương không công bố “trích ngang” từng tập thể, cá nhân trong danh sách đề nghị.
Tốc độ tăng trưởng gần gấp 2 lần GDP
Theo tài liệu của PLVN, EVN đã có 2 Báo cáo thành tích nộp Hội đồng TĐKT các cấp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là Báo cáo vào tháng 3/2014 về thành tích đạt được của Tập đoàn giai đoạn 2003 – 2013 và Báo cáo vào tháng 5 vừa qua nhằm bổ sung thành tích trong năm 2014 và quý I năm 2015.
EVN cho rằng, trong giai đoạn 2003-2013, đơn vị đã “nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư nguồn và lưới điện, luôn đi trước một bước đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế đất nước và đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng biên giới, hải đảo”.
Sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 34,9 tỷ kWh năm 2003 lên mức 115,2 tỷ kWh năm 2013; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hàng năm là 12,69%/năm, tăng gấp hơn 1,88 lần so với tăng trưởng GDP, đảm bảo điện luôn đi trước một bước theo Nghị quyết của Đảng; điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2013 ước là 1.285 kWh/người/năm, tăng 2,96 lần so với năm 2003 (434 kWh/người/năm).
Đưa điện về nông thôn, hải đảo
Đáng chú ý, EVN khẳng định “giữ vai trò duy nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi” góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.
Với hiện trạng khi thành lập Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (năm 1995) chỉ có 90,6% số huyện có điện lưới quốc gia, 63,2% xã có điện và 50,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thì tới cuối năm 2010, Tập đoàn đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về điện nông thôn mà Đại hội X của Đảng đề ra: cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 98,18% số xã được nối lưới quốc gia với 96,05% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 6,05% so với chỉ tiêu Chiến lược phát triển điện lực quốc gia đề ra.
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ có điện ở nông thôn đạt 99,59% về số xã và 98,22% số hộ dân. Trong đó khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 97,55% về số xã và 85,09% số hộ dân có điện, khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 100% và 96,17%; khu vực Tây Nam bộ là 100% và 97,72%.
Trong khi đó, đầu tư và cung ứng điện cho nông thôn được xác định là dịch vụ công ích, chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, có hiệu quả ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội nhưng không có khả năng hoàn vốn. Hàng năm, EVN vẫn dành ra hàng nghìn tỷ đồng để duy trì cấp điện cho khu vực nông thôn và bán điện cho trên 2,5 triệu hộ nghèo theo giá điện thấp.
EVN khẳng định: “Thực tiễn cho thấy không có doanh nghiệp nào khác có thể đảm nhận được vai trò của EVN trong công cuộc điện khí hoá nông thôn ở nước ta”.
Tích cực tái cơ cấu
Đối với công tác tái cơ cấu, theo báo cáo của EVN, cũng đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong năm 2014 Tập đoàn đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Cty CP Bất động sản Land Sài Gòn, Cty CP Bất động sản điện lực miền Trung và một phần vốn tại Cty Tài chính CP điện lực với tổng số tiền là 691 tỷ đồng, đạt 40,8% số vốn phải thoái giảm.
EVN cũng đã hoàn thành Kế hoạch cổ phần hóa các Tổng Cty phát điện trình Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng phê duyệt; đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa Tổng Cty Phát điện 3, đồng thời Tập đoàn đang tích cực chuẩn bị các bước để cổ phần hóa Tổng Cty Phát điện 1 và 2 trong năm 2015 - 2016…
Như số báo trước PLVN đã đề cập, để trở thành Anh hùng, cho đến nay EVN mới chỉ giành được 2 “phiếu” thuận trên “sân nhà” đó là Hội đồng Thi đua cơ sở và Bộ Công Thương. Tập đoàn cần ít nhất 2 “phiếu” nữa từ sự đồng thuận của Hội đồng TĐKT Trung ương và dư luận nhân dân. Hội đồng thì có trên tay đầy đủ các báo cáo thành tích, nhưng người dân thì không phải ai cũng tiếp cận được thông tin.
Vì vậy, Ban TĐKT Trung ương cũng cần công bố công khai bảng thành tích của các tập thể, cá nhân đề nghị được phong tặng để người dân biết và giám sát. Cũng qua câu chuyện này có thể thấy thêm một điểm “trừ” của EVN khi đã không coi trọng đúng mực công tác truyền thông đến công chúng.