Thậm chí có thể nhiều hơn. Nhấp chuột, click vào nút Like và đưa lên các bài viết của mình, định hướng người dùng vào các luồng dữ liệu dựa trên các thuật toán được sử dụng để phân phát quảng cáo tới chính bản thân hoặc những người khác trên mạng xã hội này là miêu tả chi tiết về công việc đó. Nếu tất cả "nhân viên" như bạn đồng loạt rời khỏi Facebook, nền tảng khổng lồ này sẽ sụp đổ.
“Sức lao động” của người dùng
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook bắt đầu được báo chí đăng tải ngày 17/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên một ứng dụng.
Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.
Bê bối trên đã khiến cho một số người sử dụng cảm thấy khó chịu khi thấy Facebook thu thập thông tin cá nhân của mình. Tuy nhiên, ngoài dữ liệu, mạng xã hội này còn lấy những thứ khác từ bạn. Một trong số đó là sức lao động.
Người dùng thông thường làm hai việc cho Facebook: Tạo ra dữ liệu và sản xuất nội dung. Facebook thực chất là một công ty quảng cáo và mọi thông tin người dùng tiết lộ đều là thứ mà các khách hàng của công ty này có thể sử dụng để có tác động ảnh hưởng đến cách thức và những gì bạn mua sắm.
Đôi khi, nó lành tính. Đôi khi không. Bởi dữ liệu là một công cụ mạnh mẽ, có thể giúp một ai đó định hình tính cách cũng như hành vi của bạn. Vụ bê bối Cambridge Analytica là một điển hình cho thấy nó có thể là một thứ vô cùng nguy hiểm.
Facebook không chỉ lấy thông tin mà còn lấy đi sức lao động của người dùng |
Với nỗ lực lấy lại niềm tin của người dùng, Facebook đã gỡ công cụ cho phép khai thác dữ liệu người dùng do bên thứ ba cung cấp để hiển thị quảng cáo mục tiêu.
"Chúng tôi muốn các nhà quảng cáo hiểu rằng chúng tôi sẽ đóng cửa Partner Categories (Danh sách đối tác) - công cụ cho phép nhà quảng cáo mua dữ liệu người dùng từ các đơn vị cung cấp bên thứ ba để phân loại và nhắm tới nhóm khách hàng mục tiêu", Facebook thông báo.
Những nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba này có khả năng thu thập thông tin cá nhân của người dùng Mỹ, sau đó bán lại cho nhà quảng cáo.
Chẳng hạn, dựa trên tình trạng hôn nhân, độ tuổi, giới tính, các mặt hàng người dùng từng mua trên mạng, số tiền trung bình bạn bỏ ra để mua hàng online, bạn đang quan tâm đến vấn đề gì, bạn chuẩn bị đi du lịch ở đâu, bạn có sở hữu căn nhà nào không..., từ đó nhà quảng cáo sẽ chọn hiển thị những loại mặt hàng phù hợp như bất động sản, trang phục nam nữ, gói tour giá rẻ...
Hoạt động này được cho là hợp pháp và rất phổ biến trong lĩnh vực marketing. Những công ty như vậy thường thu thập thông tin từ các hồ sơ công khai, các khảo sát mà người dùng từng đồng ý tham gia...
Facebook trước đây vẫn cho phép nhà quảng cáo khai thác sức mạnh của bên bán dữ liệu thông qua công cụ trên. Tuy nhiên, công cụ này sắp bị rút khỏi nền tảng quảng cáo của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi tin rằng động thái này, sẽ diễn ra thời gian tới, sẽ cải thiện quyền cá nhân của người dùng trên Facebook", đại diện mạng xã hội cho hay.
“Công nhân” không lương
Người dùng tạo ra hầu hết những gì đang có trên Facebook. Đó là khi họ viết bài, chia sẻ hình ảnh, đưa lên các video trực tiếp của các sự kiện hay chương trình ca nhạc, hoặc đôi khi là một cảnh bạo lực trên đường phố. Thời gian và công sức bạn dùng để cố tạo ra một lời chia sẻ lãng mạn, một cuộc nói chuyện hấp dẫn, một suy nghĩ sâu sắc về những tin tức hằng ngày - đó là những công việc bạn đang làm cho công ty có tên Facebook.
Khi từng người dùng đang nỗ lực để giữ cho trang cá nhân của mình luôn tấp nập và sôi động, họ đang tạo ra lý do để những người khác tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy này. Công việc biến thành nhiệm vụ đưa mọi người đến với nền tảng này và giữ họ ở đó càng lâu càng tốt.
Và rõ ràng, người dùng dành rất nhiều thời gian trong ngày để làm việc này. Năm 2016, một người dùng dành trung bình 50 phút mỗi ngày sử dụng các sản phẩm của Facebook. Con số này đã giảm gần đây, nhưng vẫn còn khoảng 35 phút mỗi ngày.
Người dùng đang làm 2 việc là tạo dữ liệu và sản xuất nội dung |
Đó là 26 ngày làm việc 8 tiếng mỗi năm - "nhiều hơn bất kỳ hoạt động giải trí nào do Cục Thống kê lao động điều tra, ngoại trừ xem các chương trình truyền hình và phim ảnh. Khoảng thời gian này cũng nhiều hơn dành cho việc đọc sách (19 phút), tham gia thể thao hoặc tập thể dục (17 phút) hoặc các sự kiện xã hội (4 phút)".
Giải trí cũng là công việc trên Facebook. Mọi người sử dụng các ứng dụng một cách tự nguyện, tuy nhiên, khi có nhiều hoạt động xã hội hơn chuyển lên Internet, những "người lao động" ngày càng cảm thấy họ phải làm nhiều hơn để sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Facebook là News Feed, là album ảnh, các lưu trữ cá nhân, diễn đàn cộng đồng và nhiều thứ khác. Hãy suy nghĩ một chút về việc xóa Facebook. Điều gì sẽ xảy ra với ảnh của bạn? Bạn sẽ nhận được tin tức mới ở đâu? Ai sẽ nhớ ngày sinh nhật của bạn?
Giống như tất cả các công ty truyền thông xã hội khác, Facebook kiếm tiền từ những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Đó là nhu cầu duy trì mối quan hệ với bạn bè và gia đình, nhu cầu theo kịp tin tức, nhu cầu hình thành và chia sẻ niềm tin về thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Luneburg (Đức) và Đại học Essex (Anh) đã viết trong một bài nghiên cứu gần đây rằng: "Thoạt nhìn, những gì xuất hiện là một hoạt động thông tin liên lạc tự do nhưng trên thực tế đây lại là một hình thức lao động tự do". Và đó cũng là loại hình lao động có giá trị.
Theo báo cáo thu nhập hàng năm, công ty Facebook này kiếm được gần 16 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2017. Phần lớn đến từ doanh thu quảng cáo, đã tăng gần 50% so với năm trước đó. Mặc dù các "công nhân" được hưởng lợi từ công việc không lương này một cách gián tiếp, các công ty truyền thông xã hội như Facebook lại trích xuất được giá trị trực tiếp từ công việc mà họ đang làm trong việc kết nối với thế giới.
Loại hình khai thác này không phải chỉ tồn tại duy nhất ở Facebook hoặc các mạng xã hội khác. Ý tưởng về việc người tiêu dùng cũng chính là người sản xuất đã ra đời từ những năm 1980. Các trang web như Yelp dựa vào người dùng để tạo ra các bài đánh giá; Spotify yêu cầu người nghe điền vào dữ liệu các album bị mất; trang Medium kiếm tiền từ các nhà văn nghiệp dư muốn xuất bản nội dung của mình.
Giống như Facebook, các trang web này thường tạo ra một bộ khung công việc để người dùng được trao cơ hội "kết nối" hoặc "chia sẻ". Và việc không phải trả tiền cho những người làm công việc này có một cái tên chuyên ngành, được gọi là phương pháp Crowdsourcing.
Một số người đã lên tiếng chỉ trích mô hình này, nói đó là sự bóc lột. Eric Posner, một nhà lý luận pháp lý tại Đại học Chicago (Mỹ) đã gọi người dùng Twitter là "nô lệ lao động". Không ít người nổi tiếng trên YouTube cũng từng lên tiếng phản đối các thay đổi của YouTube khiến họ khó kiếm tiền từ các video hơn.
Nhưng dù gọi nó là gì, các mạng xã hội hiện nay chính là công việc. Những người đang tạo ra nội dung hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai. Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia, bạn phải có tài khoản trên Instagram. Nếu bạn là một nhà báo quốc tế, bạn phải "sống" trên Twitter. Đó là nơi bạn tìm thấy những tin tức nóng hổi, quảng bá công việc và nhận các hợp đồng của riêng mình.
Và một vài người dùng các phương tiện truyền thông xã hội này đã tìm ra cách để biến "công việc" của họ thành tiền mặt. Không quá khó để tìm thấy những người nổi tiếng đang sử dụng các nền tảng xã hội để khởi nghiệp và kiếm được bộn tiền mỗi tháng.