FTA không phải là con đường duy nhất

Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Mỹ, Nhật Bản, EU hay Nga sẽ là đối tác được ưu tiên lựa chọn?. Dù chọn đối tác nào, thì nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, FTA cũng không phải là con đường duy nhất để Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước.

Trong giai đoạn mới, hiệp định thương mại tự do FTA có vai trò như thế nào? Đâu là vấn đề quan trọng trong việc lựa chọn đối tác để đàm phán FTA?.

Không chỉ là mở rộng thị trường

Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ, sau 15 năm tham gia ASEAN, khu vực này đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại số 1 của Việt Nam, vượt qua cả hai đối tác lớn là Trung Quốc và Mỹ.

Năm 2010, nhập khẩu từ ASEAN đạt khoảng 16,4 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (84,8 tỷ USD). Xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,3 tỷ USD, tương đương 11,5% kim ngạch xuất khẩu (72,2 tỷ USD). ASEAN đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước ta.Bên cạnh đó, thông qua các hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, New Zealand, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan. Theo cam kết, từ năm 2010, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ tới 90% số dòng thuế nhập đối với hàng hoá của ASEAN. 96,4% số dòng thuế của Úc và gần 85% số dòng thuế của New Zealand cũng đã ở mức 0% vào 2010. 75% số dòng thuế của Ấn Độ ở mức 0% từ năm 2010 và quốc gia này sẽ tiếp tục đưa lên 90% số dòng thuế đạt 0% vào năm 2016…

Trong giai đoạn 2011-2020, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, mục tiêu của đàm phán các FTA được đặt ra vẫn là thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm cải thiện cán cân thương mại, ứng phó với các bất lợi trong quá trình tự do hoá thương mại, tăng cường quan hệ, hợp tác song phương, đa phương, tạo cơ hội thuận lợi cho sự chuyển hoá nhanh của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu trước đây, việc xác định đối tác để tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do thường do bên “trên” dội xuống và với mục đích là mở rộng thị trường, thì trong giai đoạn này, mục tiêu đàm phán phải đặt cao hơn.

Phải biết lựa chọn

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định, tình hình hiện nay đã khác trước khá nhiều: “Chúng ta đang xây dựng chiến lược trong một thế giới có nhiều biến động, do đó, Việt Nam cần phải xác định những thị trường nào thực sự tiềm năng để tiến hành đàm phán”.

Theo ông Vũ Khoan, vấn đề hiện nay không còn là thị trường, mà là tính cạnh tranh của hàng hóa. “Hàng hoá của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới mong mở rộng quy mô sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này mới thực sự là quan trọng chứ không phải là việc Việt Nam thu hút được những dự án có giá trị bao nhiêu”, ông Khoan nói.

Rõ ràng, thời của nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã qua. Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Mỹ, Nhật Bản, EU hay Nga sẽ là đối tác được ưu tiên lựa chọn?. Dù chọn đối tác nào, thì nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, FTA cũng không phải là con đường duy nhất để Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước.

Bách Nguyễn

Đọc thêm