Kết quả tích cực trong xây dựng, hoàn thiện thể chế
Tham dự Hội nghị có ông Phạm Thành Nam, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng; ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương; bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cùng đại diện pháp chế một số Bộ, ngành; lãnh đạo Sở Tư pháp một số địa phương và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Về phía Vụ PBGDPL có Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, các Phó Vụ trưởng: Phan Hồng Nguyên, Ngô Quỳnh Hoa và toàn thể công chức của Vụ.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được thực hiện tích cực, chủ động, trọng tâm là Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 80-KL/TW; tham mưu tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức thành công một số sự kiện quan trọng như: Hội nghị trực tuyến về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; các Cuộc thi “Pháp luật học đường”, “Pháp luật với mọi người”; đổi mới công tác PBGDPL theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số với kết quả bước đầu đáng ghi nhận…
Đánh giá về kết quả nhiệm kỳ 2016-2020, thể chế trong các lĩnh vực PBGDPL tiếp tục được hoàn thiện, triển khai và phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Cùng với việc đặt trọng tâm tổ chức thực hiện Luật PBGDPL có hiệu quả, trong giai đoạn này, thể chế triển khai PBGDPL đã có bước hoàn thiện quan trọng thông qua việc tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã tiếp tục được tổ chức hiệu quả, tạo được sự lan tỏa trên phạm vi cả nước. Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đã tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất công tác này.
Công tác hòa giải ở cơ sở đạt nhiều két quả nổi bật, trong đó phải kể đến việc tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III năm 2016, hội nghị “Dân vận trong công tác hòa giải” năm 2020. Lần đầu tiên, chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ…
Bên cạnh kết quả đạt được, các mặt công tác PBGDPL còn một số tồn tại, vướng mắc như: một số nơi chưa chủ động đổi mới cách thức PBGDPL, chính sách xã hội hóa chưa thu hút được nhiều nguồn lực, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương còn nhiều khó khăn…
Tăng cường phổ biến ngay từ khâu dự thảo luật
Đánh giá cao những kết quả nêu trên, ông Phạm Thành Nam, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng năm 2021 và nhiệm kỳ tới, Vụ PBGDPL cần bám sát các nội dung tại Kết luận số 80-KL/TW trong triển khai các mặt công tác của đơn vị; tạo chuyển biến về chất lượng phổ biến, thi hành pháp luật, góp phần hình thành ý thức pháp luật và văn hóa pháp luật; thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới và đưa công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu.
Còn Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác PBGDPL; tăng cường phổ biến tuyên truyền về định hướng, chính sách pháp luật ngay từ khâu dự thảo; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến phù hợp; chú trọng hơn tới tổ chức hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Vụ PBGDPL. Trong năm 2021, Thứ trưởng nhấn mạnh Vụ cần bám sát chủ trương, định hướng về thúc đẩy PBGDPL đã được chỉ rõ tại tại Kết luận số 80-KL/TW; các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg và Kế hoạch triển khai của Bộ Tư pháp đã được Bộ trưởng phê duyệt. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung, kịp thời tham mưu đề xuất kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.
“Cần xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong PBGDPL đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với phổ biến và thi hành pháp luật; tăng cường phổ biến về quá trình soạn thảo các dự án luật để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đây là những vấn đề mà Hội đồng Trung ương cần tập trung làm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Vụ cần triển khai hiệu quả các chương trình, đề án PBGDPL theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; lấy người dân làm trung tâm; chủ động tuyên truyền, phổ biến về các vấn đề người dân và dư luận xã hội quan tâm. Tập trung nguồn lực, sự ủng hộ, lãnh đạo của Chính phủ trong triển khai Đề án chuyển đổi số trong PBGDPL và Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong PBGDPL giai đoạn 2019-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động xây dựng Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ngay từ đầu năm, đảm bảo tính toàn diện, đa dạng các hoạt động.
Đặc biệt, Vụ cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PBGDPL đối với các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; chủ trì phối hợp các đơn vị triển khai hiệu quả Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật…