'Gây hiểu nhầm' và 'đáng tiếc'

(PLO) - Ra những văn bản, quy định gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp hoặc không đúng quy định của pháp luật, bị dư luận phản ứng, buộc phải thu hồi văn bản đó thì bao biện là do nội dung “gây hiểu nhầm”. Để xảy ra tình trạng phá rừng, xả lũ thủy điện gây chết người, tàn phá tài sản hoa màu, bỏ mặc bệnh nhân đến chết hoặc không kịp thời ứng cứu người dân gặp nạn,... thì bao giờ người có trách nhiệm phải lên tiếng cũng đổ tại “sự cố đáng tiếc”, “xảy ra ngoài mong muốn của chúng tôi”.

Quốc hội đang bàn về an toàn thực phẩm. Không ít ý kiến nêu lên một thực trạng đáng sợ trong lĩnh vực này, khiến “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa” ngắn lại rất nhanh. Để tình trạng này xảy ra trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý là lẽ tất nhiên, thế mà 3 bộ quản lý một cọng bún cũng chẳng có hiệu quả gì cả. Thuốc trừ sâu, diệt cỏ độc hại nhập chủ yếu từ Trung Quốc, đầu độc môi trường và miếng ăn, từ mớ rau đến hạt gạo, có cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm về vấn đề này?. 

Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước ngày càng phình to, lãnh đạo “lạm phát”, trụ sở nguy nga, phương tiện hiện đại, xe công dư thừa, cái gì cũng “phục vụ công tác” mà hiệu quả quản lý xã hội ngày càng đi xuống, để mặc các hiện tượng tự phát, tự xử hoành hành.

Mới đây, một nữ chủ xe khách ở Nghệ An bị côn đồ đến tận nhà đánh đập tàn tệ và tại Phú Thọ, côn đồ rượt đuổi, nổ súng vào ô tô đi trên đường “như phim hình sự”. Dân còn nghèo, nước chưa mạnh mà không ít thành phố, thị xã xuất hiện một dãy “phố quan” nơi đắc địa và hoành tráng...

Chuyện mới bị phát hiện ở An Giang là hàng trăm bằng khen, bằng Tổ quốc ghi công, huân chương, huy chương cấp từ năm 1975 và 1983 bị xếp xó trong tủ của một công chức xã phụ trách công tác thương binh, xã hội. Chỉ đến khi ông này chết vào năm 2015, sau đó, người ta mở tủ ra mới thấy những hiện vật này.

Chỉ riêng câu chuyện này thôi, đủ hiểu sự mẫn cán của mỗi công chức và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương trên. Những thứ thuộc về chế độ, chính sách, biểu tượng của sự tôn vinh, nhớ ơn không đến được tay người xứng đáng hàng vài chục năm trời, bỏ mặc trong tủ như thế huống hồ là những thứ khác bị coi thường đến đâu. Rồi “sự cố đáng tiếc” này cũng sẽ chẳng ai làm gì được vì chẳng có ai chịu trách nhiệm về nó cả. Sự bàng quan kể cả trong sự việc này với cách giải quyết hậu quả của nó gây ra đều na ná tội ác xét từ khía cạnh lương tâm và đạo lý, trách nhiệm công vụ nhân cách làm người.

Không cách nào khác là cần nghiêm trị những người có địa vị, chức tước, quyền hạn lại làm những chuyện “gây hiểu nhầm” hoặc để xảy ra những “sự cố đáng tiếc”. Trách nhiệm của họ là không để xảy ra những chuyện như vậy, khi đã xảy ra rồi thì cần có liêm sỷ để nhận lỗi chứ đừng đổ quanh và "chơi chữ”, đánh tráo khái niệm làm giảm nhẹ sai sót của mình.

Đọc thêm