Vô cớ bị bắt?
Như PLVN đã phản ánh, anh Lê Ngọc Phượng (SN 1987, ngụ Khối 5, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Vào khoảng 23h30 đêm 10/3/2017, anh cùng một người bạn đi chơi về. Khi về qua hẻm 196 đường Y Wang (phường Ea Tam) thì phát hiện có lửa và khói bốc lên từ tiệm ve chai nằm ngay đầu hẻm.
Anh Phượng cùng người bạn quay xe lại đám cháy dập lửa giúp gia chủ. Một lát sau, nhiều hộ dân xung quanh đã thức giấc, kéo vòi nước tới trợ giúp, khống chế đám cháy thành công. Khoảng 1 tiếng sau, lực lượng công an phường Ea Tam cùng Cảnh sát cứu hỏa mới tới hiện trường và yêu cầu mọi người phải lùi ra ngoài. Thời điểm đó, anh Phượng không biết ví tiền và điện thoại của mình để đâu nên cứ hỏi người này người kia và xảy ra xích mích với một công an viên.
Anh Phượng kể: “Trong lúc hỗn loạn vì đám cháy, tôi có gửi ví tiền và điện thoại cho một người giữ giùm vì người tôi đã ướt hết. Tuy nhiên, tôi chẳng nhớ đã gửi cho ai nên cứ lui tới hỏi thăm. Sau đó, một công an viên cản tôi lại và hỏi: “Mày đốt nhà người ta à?”. Sẵn đang mệt nên nghe câu này, tôi bức xúc và nói lại vài câu”.
Vẫn theo lời anh Phượng, khi anh đưa điện thoại chụp hình một vài người để lỡ sau này phường có mời làm việc thì sẽ liên hệ với họ làm nhân chứng. Thế nhưng, anh bị một công an phường lao ra, đá vào chân rồi dùng cùi chỏ đánh vào tai.
“Sau đó, có thêm mấy người công an đè tôi ngã vào một chiếc xe máy bẻ hai tay ra sau còng lại, tôi bị đẩy vào taxi và đưa ra phường. Tại trụ sở công an phường, tôi bị đánh rất nhiều vào gáy và hai bên tai, bị xích vào một chiếc giường sắt suốt đêm”, anh Phượng nói.
Anh Phượng kể, trưa 11/3, công an phường lập biên bản làm việc, yêu cầu ký vào. Khi đọc qua biên bản, anh thấy có phần xác nhận “không bị đánh đập” nên không ký: “Sau một hồi thuyết phục tôi không được, có một anh công an nói rằng “anh cứ ký vào, xong xuôi nếu muốn khiếu nại ai đánh đập thì ghi thêm phía dưới””.
Ký biên bản xong, có một ô tô màu trắng tới. Phía công an nói đưa về nhưng thanh niên này nảy sinh nghi ngờ và yêu cầu được gặp người nhà chứ không chịu lên xe. Dù vậy, anh Phượng tố đã bị mấy người công an lao vào kẹp lên xe, chở thẳng tới Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Đắk Lắk (thuộc xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột). Tại đây, anh bị nhốt vào phòng đặc biệt dành cho người bị bệnh tâm thần nặng.
Anh Phượng kể: “Vào đó tôi bị ói ra máu, không ăn được và người rất mệt. Vậy mà vẫn có một người đánh tôi ngất xỉu. Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình bị lôi vào nhà vệ sinh xịt nước”. Gặp được những người đi làm từ thiện, anh cho họ số điện thoại và địa chỉ nhà, nhờ tới báo tin để người thân giải cứu mình.
Đến ngày 15/3 anh được người thân tới bảo lãnh, đưa về nhà nhưng tai trái cứ ù và chóng mặt. Lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk khám chữa, theo kết quả từ bệnh viện, anh Phượng bị kết luận “thủng màng nhĩ tai trái”.
|
Mẹ con anh Phượng bày tỏ bức xúc trước cách hành xử của lực lượng công an phường Ea Tam |
Trung tâm BTXH nói gì?
Theo bà Lê Thị Thanh Bình - Phó giám đốc Trung tâm BTXH, phía trung tâm tiếp nhận anh Phượng vào khoảng 12h15 phút ngày 11/3/2017 từ Tổ chuyên trách, Phòng LĐ-TB-XH TP Buôn Ma Thuột.
Sau đó, nhân viên y tế của trung tâm tiến hành khám sức khỏe và nhận định rằng Phượng có biểu hiện “rối loạn hành vi” và có biểu hiện tâm thần. “Khi chúng tôi tiếp nhận, Phượng tỏ thái độ bất hợp tác, la hét, tuyệt thực, thậm chí còn có ý định dùng dao lam tự tử”, bà Bình thông tin.
Cũng theo bà Bình, việc Phượng tố cáo bị người trong trung tâm đánh đập là không đúng. Tuy nhiên, khi Phượng có ý định tự sát thì người của trung tâm có dùng vòi xịt nước để Phượng phân tâm, lấy tay vuốt mặt rồi nhân viên lao vào khống chế, nhằm tước dao lam trên tay.
Sau đó, người của trung tâm đưa Phượng đi tắm rửa, cho ăn uống. Khi thấy Phượng bị kích động mạnh, nhân viên trung tâm đã đưa anh này vào một phòng đặc biệt để chăm sóc và phòng ngừa trường hợp xấu xảy ra.
Đến ngày 14/3, người nhà Phượng biết tin nên tới hỏi thăm, phía trung tâm đã hướng dẫn người thân làm đơn, có xác nhận nơi cư trú của chính quyền địa phương để bảo lãnh thanh niên này ra. Trưa 15/3, Phượng được người thân bảo lãnh đưa về nhà.
Bà Bình trao đổi: “Nhiệm vụ chính của trung tâm là tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng chứ không phải thu gom. Bởi vậy, nếu Phượng xảy ra chuyện xấu, chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm vì đã chăm sóc không tốt. Bất kỳ ai được đưa vào đây, chúng tôi cũng nỗ lực để chăm sóc họ một cách tốt nhất. Trung tâm của chúng tôi đã đi vào hoạt động được 40 năm. Từ trước đến nay, chưa bao giờ xảy ra trường hợp bị kiện cáo như Phượng”.
Theo tài liệu mà PV thu thập được, trong biên bản giao - nhận đối tượng giữa Tổ chuyên trách Phòng LĐ-TB-XH TP Buôn Ma Thuột và Trung tâm BTXH ghi rõ, hoàn cảnh của Phượng là đối tượng “sống lang thang tại khu vực phường Ea Tam” (do công an phường giao).
Trong phần khai thác thông tin dành cho “đối tượng đi lang thang” vào ngày 14/3, anh Phượng khai rõ với nhân viên trung tâm BTXX rằng “không đi lang thang”. Lý do vào trung tâm là “gây lộn với phường rồi phường đưa vào”.
Vì sao Phượng có địa chỉ nhà rõ ràng nhưng hồ sơ ghi “không rõ địa chỉ”? Trong khi đó theo bà Bình, nếu ghi rõ địa chỉ nhà của Phượng thì trung tâm không nhận mà phải chuyển về phường theo đúng quy định.
Theo bà Hồ Thị Thân (SN 1956, mẹ anh Phượng), sau khi con trai bị bắt, có công an phường Ea Tam tới gặp, nói Phượng sử dụng ma túy nên đưa đi cai nghiện. Sau đó, công an còn đưa ra một tờ giấy trắng yêu cầu bà ký vào. Do thiếu hiểu biết nên bà ký vào tờ giấy đó.
Bà Thân kể: “Chỉ đến khi có một cặp vợ chồng tới gọi cửa, đưa clip cho xem và báo tin Phượng bị nhốt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, cả nhà mới lên đó bảo lãnh, đưa Phượng về. Con tôi có nhà cửa đàng hoàng mà hồ sơ ghi sống lang thang rồi bắt như vậy là không được. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, làm sáng tỏ vụ việc này. Không thể tự tiện bắt con tôi và đánh đập, tước đi quyền công dân của một người như vậy được”.