2 hồ sơ mời thầu cho 1 gói thầu
Để phục vụ công tác khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân ung thư tại khu vực phía Nam, tháng 11/2016 Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã phát hành Hồ sơ mời hầu gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư.
Theo văn bản thông báo của Văn phòng UBND TP HCM yêu cầu việc mua sắm trang thiết bị y tế chuyên dùng phải đạt tiêu chí hiện đại, chất lượng tốt nhất và thực hiện tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, nếu tuân thủ quy trình bình thường của Luật Đấu thầu 2014 thì khoảng 3 tháng sau sẽ lựa chọn được đơn vị trúng thầu, nhưng tính đến nay thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu, chuẩn bị Hồ sơ dự thầu của gói thầu này cũng đã kéo dài tới 4 tháng và qua 5 lần gia hạn (thông thường quy trình này chỉ kéo dài khoảng 20 ngày).
Và sau 5 lần gia hạn thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu, mãi đến ngày 15/3/2017, Bệnh viện Ung bướu TP HCM mới chính thức ra quyết định phê duyệt điều chỉnh Hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư. Nhưng trong quyết định này, chủ đầu tư đã điều chỉnh nội dung xét thầu cả 3 phần, 9 chương trong Hồ sơ mời thầu.
Theo nhiều nhà thầu, việc trì hoãn thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu với lý do điều chỉnh, sửa đổi tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu là nhằm “gọt chân cho vừa giày”, đánh mất sự cạnh tranh, công bằng và không minh bạch trong đấu thầu. Bởi việc bổ sung mới không khác gì với việc ban hành một bộ Hồ sơ mời thầu mới để thay thế Hồ sơ mời thầu cũ.
Tiêu chí xét thầu trái luật?
Đáng chú ý, trước đó vào tháng 11/2016, Bệnh viện Ung bướu TP HCM ký và phát hành Hồ sơ mời thầu gói thầu (Hồ sơ mời thầu cũ). Trong đó, mục 4 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Chương III Hồ sơ mời thầu) quy định nhà thầu phải thỏa mãn yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự như sau: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng cung cấp mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính từ năm 2013 trở lại đây tính đến thời điểm đóng thầu là >= 01 hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị có giá trị tối thiểu là 150 tỷ đồng”.
Tiêu chí về hợp đồng tương tự này hoàn toàn phù hợp với Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT (Thông tư 05) của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập Hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa theo Luật Đấu thầu và nghị định hướng dẫn.
Tuy nhiên, ở Hồ sơ mời thầu mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã điều chỉnh, phát hành một Hồ sơ mời thầu với nội dung hoàn toàn trái luật. Cụ thể, tại mục 4 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Chương III của Hồ sơ mời thầu) mới quy định về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự như sau: “Số lượng hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế với tư cách là nhà thầu chính từ năm 2013 trở lại đây, tính đến thời điểm đóng thầu >= 2 hợp đồng, có tổng giá trị >=150 tỷ đồng, trong đó có tối thiểu 01 hợp đồng mua bán, cung cấp thiết bị xạ trị đã ký, đã và đang thực hiện, có xác nhận khối lượng thực hiện của bên mua. Các hợp đồng còn lại là hợp đồng cung cấp thiết bị y tế đã hoàn thành”.
Theo phản ánh của một số nhà thầu, đọc qua thì yêu cầu về hợp đồng tương tự của Hồ sơ mời thầu mới có vẻ yêu cầu năng lực kinh nghiệm hợp đồng tương tự cao hơn, vì phải đáp ứng trên hai hợp đồng tương tự. Nhưng xem xét kỹ thì thấy đây chỉ là sự đánh lừa về câu chữ của tiêu chí xét thầu này mà tư vấn đấu thầu, chủ đầu tư đã “cài” vào Hồ sơ mời thầu nhằm hạ thấp tiêu chí xét thầu để tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó.
Bởi theo Thông tư 05, hợp đồng tương tự phải đáp ứng hai tiêu chí cơ bản là tương tự về chủng loại, tính chất, tương tự về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng với hàng hóa đang xét thầu; đồng thời quy mô giá trị hợp đồng tương tự phải bằng hoặc lớn hơn 70% giá gói thầu đang xét. Như vậy, với giá gói thầu gần 240 tỷ đồng thì yêu cầu của Hồ sơ mời thầu cũ, nhà thầu phải có >= 01 hợp đồng cung cấp, mua bán thiết bị xạ trị có giá >=150 tỷ đồng hoàn toàn đúng luật, còn yêu cầu về hợp đồng tương tự trong Hồ sơ mời thầu mới là sai luật.
Cần phải nói thêm, lĩnh vực xạ trị ung thư là lĩnh vực đặc thù, để có kinh nghiệm cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư đương nhiên nhà thầu phải đã từng cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị chứ không phải hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế chung chung. Hơn nữa không thể yêu cầu tổng giá trị 2 hợp đồng tương tự >=150 tỷ đồng, vì yêu cầu như vậy nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về giá trị hợp đồng tương tự vẫn có thể được “ưu ái” xét trúng thầu.
Theo thông báo mới nhất của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D là đơn vị duy nhất đạt yêu cầu về kỹ thuật. Nếu kết quả này được thừa nhận thì việc tổ chức đấu thầu ở gói thầu này cho thấy đã không có sự cạnh tranh về giá. Và để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng trong hoạt động tổ chức đấu thầu gói thầu trên, đề nghị Sở Y tế TP HCM vào cuộc kiểm tra, làm rõ.