Thay vì cách tinh GDP như thông thường, tới đây, theo quyết định số 43/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ số “ GDP xanh” sẽ được đưa vào trong hệ thống chỉ tiêu KTXH quốc gia đến năm 2014.
Có thể hiểu GDP xanh là chỉ số được tính bằng cách lấy chỉ số GDP truyền thống trừ đi các chỉ số về cạn kiệt tài nguyên và thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Cái khó trong việc xác định chỉ số này chính là hai tham số cạn kiệt tài nguyên và thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Vào những năm 70 của thế kỷ XX, một số nước phát triển như Na Uy, Pháp, Phần Lan đã có nhiều nỗ lực để xây dựng một cơ chế tích hợp các thiệt hại môi trường và suy giảm tài nguyên vào hạch toán kinh tế quốc gia. Đến năm 1993, Liên Hợp Quốc và WB đã phối hợp xây dựng phương pháp luận cho việc xây dựng các tài khoản tự nhiên và môi trường và công bố một bản hướng dẫn về hệ thống hoạch toán kinh tế và môi trường tổng hợp - SEEA 1993.
Văn bản này được sửa đổi năm 2003 (SEEA 2003) và trở thành khung phương pháp chuẩn về hạch toán môi trường đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, cách tính nào phù hợp với điều kiện của Việt Nam?
Trong những thập kỷ qua tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn đặt được con số ấn tượng bất chấp thời điểm kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Tuy nhiên một thực tế là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và cường độ sử dụng năng lượng cao.
Các tài khoản quốc gia (SNA) hiện tại không hạch toán chi phí môi trường hoặc không đo lường đầy đủ đóng góp của môi trường. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, chính việc sử dụng chỉ số GDP truyền thống có thể dẫn đến chính sách tăng trưởng, tập trung vào tăng trưởng với bất cứ giá nào.
Với sự tài trợ của Chính phủ Anh, các chuyên gia của , Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê đang gấp rút xây dựng phương pháp tính chỉ số GDP xanh cho Việt Nam. Sau 9 tháng nghiên cứu, khung phương pháp xây dựng chỉ số GDP cho Việt Nam đã hình thành.
Theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng CIEM, hạch toán môi trường quốc gia vẫn còn mới đối với các nhà hoạch định chính sách và thống kê Việt Nam. Do vậy, để đưa hạch toán quốc gia vào thực tế, một số bước chuẩn bị phải được tiến hành gồm: xây dựng một khuôn khổ phương pháp; chuẩn bị thông tin dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hạch toán xanh.
Từ kết quả nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu của CIEM chỉ ra, Việt Nam có thể áp dụng khung hạch toán môi trường quốc tế và trước hết tập trung vào các tài khoản quan trọng nhất như tài nguyên thiên nhiên và các chất ô nhiễm. Việt Nam cần nỗ lực để thực hiện và tính được các tài khoản tài nguyên thiên nhiên và môi trường đáng tin cậy.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng thừa nhận còn nhiều khoảng trống dữ liệu và những khó khăn trong biên soạn các tài khoản môi trương, cụ thể như vẫn tồn tại khoảng trống giữa tính toán GDP từ bên cung và bên cầu, chưa có ngành thể hiện chi phí về tái sử dụng chất thải, thiếu ma trận hệ số chất thải trực tiếp và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, thiếu hệ số chi phí theo các loại chất thải...”. Chúng tôi sẽ không xây dưng một phương pháp mới mà là nghiên cứu xây dựng một khung phương pháp dựa vào bản hướng dẫn SEEA 2003 trong điêu kiện thực tế cuả Việt Nam...”- Bà Hồng cho biết...
Thanh Thanh