Thiếu phụ “ma men” bị nhốt trong nhà hàng xóm ngày cưới con
Với người dân sinh sống trong dãy kiệt K82/H10 đường Nguyễn Văn Linh (phường Nam Dương), chuyện bà Phượng và chồng là Nguyễn Văn Thảo (SN 1966) thường xuyên nhậu say rồi lớn tiếng cãi vã, đánh nhau xảy ra như cơm bữa.
Gia đình bà Phượng vốn nghèo, bà chưa từng đến trường nên "một chữ bẻ đôi" không biết, ăn nói đốp chát, hành xử bản năng, còn thêm tật nghiện rượu. Nhưng đổi lại, bà Phượng có khuôn mặt dễ nhìn khiến ông Thảo dù nhỏ tuổi hơn vẫn “say như điếu đổ”. Quen nhau khi làm phụ hồ chung cho một công trình được vài tháng, ông Thảo ngỏ lời yêu.
Do đặc thù nghề phu hồ của hai vợ chồng, cứ đến chiều lại ngồi cùng đám thợ “lai rai” “giải mỏi” nên bà Phượng nhanh chóng “tái nhậu”. Rượu vào lời ra, vợ chồng thường xuyên gây gổ, đánh đấm nhau khiến cha mẹ hai bên chịu không thấu, đành cho tiền để cất nhà riêng trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Linh.
Để tồn tại, hàng chục năm qua, dù không muốn, ông Thảo vẫn phải đứng ra giữ tay hòm chìa khóa trong nhà, lo lắng, chăm sóc cho con cái. Còn bà Phượng, chỉ mới ở tuổi 49, có sức khỏe nhưng tiền làm ra bao nhiêu đều nướng vào bia, rượu, tối ngày khật khưỡng.
Và cũng vì mê nhậu mà khi tổ chức đám cưới cho người con thứ hai, bà Phượng không được xuất hiện, chỉ có ông Thảo đứng ra lo liệu tất cả. Lý do, ông Thảo rút kinh nghiệm từ lần đứa con đầu cưới vợ, bà Phượng mặc kệ họ hàng, mặc kệ công việc, từ sáng tới chiều bà cứ ngồi nhậu rồi nói lảm nhảm. Lần đó, sợ gia đình nhà gái biết sẽ không hay, ông Thảo cùng các con phải mang gửi vợ đến nhà người thân rồi khóa lại ở trong phòng, chờ đám cưới tổ chức xong mới đưa bà về.
Đầu năm 2012, sau chầu nhậu say khướt, bà Phượng còn có lần tự té ngã. Được gia đình mang đi viện, bị gãy xương cổ, năm tháng mới tháo bột, thế nhưng bà vẫn không từ bỏ được thói quen uống rượu, bia của mình.
Phút bị “ma men” xui khiến làm tan nát gia đình
Cuối tháng 1/2013, kết thúc một ngày phụ hồ, bà Phượng không ngồi bù khú mà ghé chợ mua vài món đồ về nấu cho chồng con bữa cơm nóng. Nhưng “trời xui đất khiến” thế nào, bà Phượng lại gặp ngay những “đồng nghiệp” cũng đang kéo nhau ra chợ. Không hẹn mà gặp, cao hứng, cả nhóm rủ góp tiền mua “vài chai bia” uống sau một ngày làm việc mệt nhọc. Cuộc “giải mỏi” vì thế kéo dài gần sáu tiếng đồng hồ mới tan, bao nhiêu ý định chăm lo cho chồng con biến sạch.
Nửa đêm, bụng đang đói cồn cào mới thấy vợ “chân nam đá chân xiêu” đẩy cửa bước vào, ông Thảo mặt mày hầm hầm xông đến la mắng. Lời qua tiếng lại một lúc, thấy vợ có vẻ không chịu nghe lời, ông chồng vác cây cơ bi da có sẵn trong nhà để “dạy vợ”. Bà vợ say rượu bị vụt chảy máu.
Bức xúc với hành động của chồng, cộng với hơi men sẵn có trong người, bà Phượng liền chạy xuống bếp dùng búa đánh lại chồng, người khiến chồng ngã đập đầu vào cạnh cầu thang. Lúc này, con gái có mặt can ngăn nên ông chồng chạy được ra bên ngoài kêu cứu.
Công an phường Nam Dương nghe tin báo từ người dân đã đến mời những người liên quan về trụ sở lập biên bản về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, sau đó cho tất cả về nhà.
Qua sáng hôm sau, dù vợ chồng bà Phượng vẫn còn trong tình trạng “chiến tranh lạnh” nhưng mỗi người đều quay trở lại với công việc của mình. Những tưởng mọi việc đã êm dần, nhưng bất ngờ đến 11h cùng ngày, ông Thảo bỗng lên cơn co giật, mê man. Gia đình vội đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng chỉ vài giờ sau, ông Thảo tử vong.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trên cơ thể nạn nhân có nhiều vết trầy xước, đặc biệt, đỉnh đầu có một vết sưng nề gây ra chấn thương sọ não kín dẫn đến tử vong. Biết hành vi gây ra cái chết cho chồng sớm muộn gì cũng sẽ bị pháp luật trừng trị, ngay sau đó, bà vợ khật khưỡng lên công an thành khẩn khai báo sự việc để mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cuối tháng 8/2013, Công an Đà Nẵng mới chính thức có quyết định bắt tạm giam. Sau bốn tháng bị tạm giam, bị cáo Đặng Thị Ngọc Phượng đối mặt với bản án “Cố ý gây thương tích” đã bị đưa ra phiên tòa xét xử vào một ngày cuối tháng 12/2013. Từ lúc được đưa vào đứng trước vành móng ngựa, bị cáo luôn cúi gằm mặt, kể cả con gái út gọi tên bà cũng không dám ngước nhìn.
Trong mỗi câu trả của bà Phượng với Hội đồng xét xử, luôn chứa chất nỗi ân hận: “Vì uống bia rượu mà tôi không làm chủ bản thân, đã gây ra tội lỗi chồng chết, gia đình tan nát. Chừ tôi không dám xin tha thứ của pháp luật, chỉ xin người thân và các con tôi đừng oán, cho má con đường để làm lại. Má hứa…”.
Kết thúc phiên tòa, TAND thành phố tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Ngọc Phượng 6 năm tù giam, đồng thời bồi thường 25 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.