Người tiêu dùng chịu thiệt
Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu liên tục biến động khiến giá vận tải cũng phải điều chỉnh tăng, giảm theo. Tuy nhiên, việc giảm giá thì vẫn luôn chậm chạp hơn hẳn so với khi tăng giá. Qua 7 lần điều chỉnh giảm giá xăng liên tiếp với mức giảm không nhỏ đã giúp các doanh nghiệp (DN) vận tải “dễ thở” hơn sau thời gian khá dài tăng giá nhiên liệu. Song có vẻ họ lại chưa muốn cho người tiêu dùng “dễ thở”.
Mỗi ngày hiện tại là mỗi ngày các DN vận tải trúng đậm vì giá xăng giảm liên tiếp mà giá cước thì vẫn giữ nguyên. Với mức giảm giá xăng dầu trên 10% so với cách đây 2 tháng, ước tính hiện tại người tiêu dùng đang phải trả thêm khoảng 25 đồng/km.
Cụ thể, tổng mức giảm từ tháng 6 đến nay của dầu diesel là 2.940 đồng/lít, xăng A92 giảm 2.180 đồng/lít. Đơn cử một xe khách 30 chỗ với mức tiêu thụ khoảng 15 lít nhiên liệu/100km thì mỗi lượt 100km nhà xe ăn ra được 44.000 đồng đối với xe chạy dầu và 32.700 đồng đối với xe chạy xăng.
Dịch vụ xe tải, xe khách được hưởng lợi lớn nhất trong thời gian vừa qua do giá dầu diesel giảm mạnh. Nhưng mặc cho giá giảm, các DN vận tải hành khách vẫn lặng thinh. Lý giải về thực tế trên, ông Trần Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Bến xe Miền Tây (TP.HCM) cho rằng, do một số DN vận tải trước đó dù giá xăng đã tăng nhưng không xây dựng kế hoạch tăng giá để đảm bảo tính cạnh tranh giữ lượng khách nhất định nên “việc giảm giá trong thời điểm này là khó”(?).
Doanh nghiệp “án binh bất động”
Trước đó trong tháng 5, cùng với việc xăng tăng giá sốc 1.950 đồng/lít vào ngày 5/5, các DN vận tải, taxi đã đồng loạt đề xuất tăng giá cước. Song khi xăng dầu quay đầu giảm giá liên tiếp trong thời gian gần đây thì các DN vận tải lại không hề có động thái giảm giá cước. Điều này không những trực tiếp gây thua thiệt cho hành khách mà còn gián tiếp khiến giá hàng hóa giữ ở mức cao, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tính toán thực tế của các hãng taxi cho thấy chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39% tổng các loại chi phí tạo nên giá thành, tương đương khoảng 5.070 đồng/km xe chạy. Với mức giảm nói trên của giá xăng, tính ra mỗi kilômét xe chạy đã giảm được ít nhất là 466 đồng. Sau khi giá xăng dầu giảm sâu, lãnh đạo các bến xe trên địa bàn TP.HCM đã nhắc nhở các chủ hãng xe nên điều chỉnh hạ giá cước, nhưng hầu hết các DN này đều im lìm, “án binh bất động”.
Theo đánh giá của một giám đốc bến xe, vì lợi nhuận, việc các DN vận tải tăng thì “chóng”, giảm thì “chầy” là đương nhiên. Vì thế, nếu không có “bàn tay” đốc thúc của cơ quan nhà nước, các DN vận tải không dại gì hạ giá cước.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng, nếu chỉ mong chờ DN tự động giảm giá là rất khó. Do đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cơ quan quản lý vận tải và giá cần phối hợp kiểm tra chặt chẽ, xử lý với các trường hợp chây ì không giảm giá cước.
Hai Bộ Tài chính và GTVT cũng đã yêu cầu các DN vận tải kê khai lại giá, tính toán chi phí đầu vào giảm để giảm giá cước tương ứng. Mới nhất, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh lại cước vận tải để phù hợp với tình hình giá xăng dầu giảm.