Giải pháp “sốc” để “chạy tiến độ” cổ phần hóa

(PLO) - 5 tháng đầu năm mới có 43 doanh nghiệp được cổ phần hóa, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ phải cổ phần hóa 246 doanh nghiệp. 
Một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là nếu doanh nghiệp chưa bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) được vẫn phải chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần bằng cách bán cổ phần cho người lao động, Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)… Thông tin được ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đưa ra cuối tuần qua.
Ì ạch cổ phần hóa
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý I/2015, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa (CPH) 4.237 DN. Trong giai đoạn 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Giai đoạn 2014-2015, theo kế hoạch đã được duyệt thì cả nước sẽ thực hiện CPH 432 DN. Trong năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013, trong đó CPH 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. 
Trong quý I/2015, cả nước CPH 29 DN (trong đó có 3 tổng công ty nhà nước và 26 DN). Còn lại 260 DN thì có 62 DN đã công bố giá trị DN, 198 DN đang xác định giá trị DN. Số liệu cập nhật đến hết tháng 5/2015 được lãnh đạo Cục Tài chính DN đưa ra là đã CPH 43 DN, số còn lại phải CPH trong năm 2014 là 246 DN.
Về thoái vốn, nếu như năm 2012 thoái được 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng; năm 2013 thoái được 874 tỷ đồng, thu được 745 tỷ đồng thì năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng. Quý I/2015 thoái được 2.807 tỷ đồng, thu được 3.206 tỷ đồng. 
Tính chung, số vốn đã thoái tính đến quý I/2015 là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Tuy nhiên, số còn phải thoái trong những tháng còn lại của năm 2015 là 19.517 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực ngân hàng và bất động sản chiếm đa số với khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến tiến trình CPH chậm vẫn là: Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới; thị trường chứng khoán vẫn còn khó khăn; sự thiếu quyết liệt của một số bộ, ngành; DN chưa nhận thức rõ về sự cần thiết, quan trọng của việc CPH, thay đổi quản trị DN; đối tượng sắp xếp, CPH hiện đều là DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp… 
Có hình thức ?
Để đẩy nhanh tiến trình CPH, theo đại diện Cục Tài chính DN, từ nay tới cuối năm, cơ quan chức năng sẽ phân loại các DN để thực hiện IPO, DN nào đủ điều kiện thì mới IPO, còn không sẽ chuyển sang công ty cổ phần, với sự nắm giữ của người lao động hay SCIC. "Mục tiêu của việc làm này là mời thêm các đại diện các cổ đông khác để chuyển mô hình hoạt động của DN sang loại hình bình đẳng như các thành phần kinh tế khác" - Phó Cục trưởng Tiến giải thích.
Tuy nhiên, đây có phải là giải pháp mang tính hình thức khi DN có sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài mà không qua IPO? “Khi họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ cũng hỏi, nhưng nếu không làm như vậy thì chúng ta giữ những DN không IPO được lại làm gì? Chủ sở hữu nhà nước vẫn là một thì DN cũng hoạt động không hiệu quả do bộ máy vẫn như vậy. Còn nếu chuyển sang công ty cổ phần mà có sự tham gia của người lao động, SCIC và sau đó 12 tháng DN sẽ phải tiến hành IPO sẽ góp phần thay đổi hoạt động DN. 
Nếu sau 12 tháng không IPO được thì sẽ bán toàn bộ DN hoặc cho phá sản. Tôi cho rằng, đó là giải pháp mang tính triệt để. Đó cũng không phải là biện pháp chữa cháy khi mà điều kiện thị trường hiện nay không cho phép, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài còn đang chờ đợi, đắn đo…”- ông Tiến giải thích.
Mặc dù theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành công ty cổ phần, DN phải niêm yết trên thị trường chứng khoán song thực tế không ít DN lẩn tránh trách nhiệm này. Ông Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc, đến tháng 6 này sẽ có tổng kết. 
“Thực ra, sau khi có Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, số DN chuyển sang công ty cổ phần không nhiều. Chúng tôi làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước sau đó mới “kẻ chỉ” sau. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia…”- ông Tiến nói.
Được biết, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong CPH, thoái vốn DN đã được Bộ Tài chính chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình ban hành…

Đọc thêm