Giảm thiểu tỷ lệ kháng thuốc ARV: Người bệnh phải tự… cứu mình!

(PLO) - Tình trạng kháng thuốc điều trị HIV (ARV) đã đến hồi báo động khi cơ quan quản lý lĩnh vực này cho biết, hiện đã có 4,5% người nhiễm HIV điều trị không tác dụng với phác đồ bậc 1. Để giảm thiểu tỷ lệ kháng thuốc, chỉ còn cách… người bệnh tự cứu mình!
Nhân lực thiếu là một trong những khó khăn lớn cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS
Nhân lực thiếu là một trong những khó khăn lớn cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS
Kháng thuốc do không tuân thủ điều trị
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, rất nhiều người sống chung với HIV tại Việt Nam đã điều trị HIV phác đồ bậc 1 hơn 10 năm. Vấn đề kháng với thuốc bậc 1 là khó tránh khỏi trừ một số trường hợp đặc biệt. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do tuân thủ điều trị không tốt, dẫn đến nhờn thuốc, chưa kể đến kháng thuốc tự nhiên. Hiện tượng kháng thuốc không xảy ra ngay lập tức mà là cả quá trình. 
Ở một số  tỉnh, các bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm CD4, đương nhiên là không thể chính xác cao bằng thiết bị đo tải lượng virus và thử gen kháng thuốc. Nhưng các thiết bị như vậy khá đắt, chủ yếu ở các bệnh viện lớn thuộc tuyến Trung ương, do đó không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện theo dõi thường xuyên.
Các chuyên gia y tế cho biết, khi kháng thuốc dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị suy kiệt và mắc hàng loạt bệnh nhiễm trùng cơ hội. Chia sẻ về tình trạng kháng thuốc của mình, anh Vũ Văn T.  (ở Quảng Yên, Quảng Ninh) cho hay, năm 2002 do chưa có thuốc điều trị HIV miễn phí nên anh phải bỏ tiền ra mua. 
Hai năm đầu anh dùng thuốc đều đặn thì không có vấn đề gì, vẫn lao động bình thường, nhưng sang năm thứ 3, để tiết kiệm tiền (vì lúc ấy thuốc vẫn còn đắt), anh mua thuốc trong 1 tháng thì uống thành tháng rưỡi, cứ thế một thời gian sau đó thấy sức khoẻ yếu dần... Thấy việc điều trị không có kết quả, bác sĩ cho đi kiểm tra mới phát hiện phác đồ bậc 1 không còn tác dụng đối với anh nữa nên quyết định cho anh chuyển sang phác đồ bậc 2. Khi ấy, sức khoẻ mới trở lại bình thường…
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế, ở nước ta hiện có tới 4,5% bệnh nhân đã bị thất bại với phác đồ bậc 1. Thường thì với phác đồ bậc 1 chỉ tiêu tốn khoảng 3 triệu đồng/năm, nhưng khi phải chuyển sang phác đồ bậc 2, người bệnh sẽ phải chi tới 22 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nếu các nguồn tài trợ bị cắt giảm sẽ vô cùng khó khăn cho các bệnh nhân bị kháng thuốc. 
Nói về nguyên nhân kháng thuốc, bác sĩ Lương Xuân Kiên, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bên cạnh những lý do khác thì chủ yếu là do bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc, đặc biệt đối với bệnh nhân AIDS vẫn còn sử dụng ma tuý rất khó tuân thủ điều trị. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà chúng ta phải ứng phó, nhất là trong thời gian tới, theo bác sĩ Kiên.
Người bệnh phải tự cứu mình
Theo PGS.TS. Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế, cần phải giám sát bệnh nhân tại cơ sở thật tốt, nhất là việc tuân thủ điều trị để hạn chế thất bại với phác đồ điều trị. Thế nhưng hiện nay, nhân lực của các phòng khám ngoại trú còn hạn chế. 
Đơn cử, tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hiện chỉ có 12 người (trong đó 4 bác sĩ điều trị, 2 bác sĩ tư vấn, 4 kỹ thuật viên và 2 nhân viên hỗ trợ) phải quản lý tới 1.139 bệnh nhân, trong đó 974 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV. 
Bác sĩ Kiên cho biết, nhân lực thiếu là một trong những khó khăn lớn cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS, đặc biệt cản trở rất nhiều trong quá trình theo dõi một bệnh nhân kháng thuốc, nhất là trong tình hình kháng thuốc ngày một gia tăng như hiện nay. 
Để phát hiện một bệnh nhân kháng thuốc, theo TS. Bùi Đức Dương, sẽ mất rất nhiều thời gian từ việc theo dõi bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc đến tư vấn, làm các xét nghiệm, trao đổi với chuyên gia... rồi mới quyết định thay thế phác đồ. 
Đây là cả một quá trình mà nếu thiếu nhân lực sẽ rất khó khăn. Vì vậy, để cứu mình, cùng với những nỗ lực của quốc gia thì người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc để có thể duy trì phác đồ bậc 1 kéo dài thời gian tối đa nhất. 
“Việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng. Nếu uống thuốc không đều đặn, không đúng liều và không đúng giờ... sẽ dẫn đến hiện tượng virus kháng thuốc và sẽ tới lúc không còn thuốc để điều trị” – TS Dương nhấn mạnh.

Đọc thêm