Gian nan cuộc chiến chống AIDS

(PLO) - Là một trong những “điểm nóng” của cả nước về tệ nạn ma túy, mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS nên Thanh Hóa được ưu tiên tiếp nhận hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Nhưng, cuộc chiến này sẽ cực kỳ gian nan khi các nhà tài trợ thông báo sẽ rút dần các dự án can thiệp trong một tương lai gần…
Bác sỹ tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)
Bác sỹ tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)
Dự án giảm…
TS.Nguyễn Bá Cẩn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa cho hay, Thanh Hóa là một tỉnh có dân số đông, nhiều dân tộc sinh sống (Kinh, Dao, Thổ, Mường, Thái, Hoa…), giao lưu văn hóa rộng nên tệ nạn ma túy, mại dâm, đặc biệt là tình hình lây nhiễm HIV/AIDS diễn biến rất phức tạp. 
Từ trường hợp lây nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1995, đến nay tổng số người nhiễm của toàn tỉnh đã lên tới 6.883 trường hợp, 4.198 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.107 trường hợp tử vong do AIDS…
Cũng theo ông Cẩn, hiện 27/27 huyện, thị, 562/637 xã, phường của tỉnh có người nhiễm HIV. Bắt đầu từ năm 2006, địa phương đã triển khai các chương trình can thiệp. Đến nay tất cả các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đều đã có ở Thanh Hóa. 
Đặc biệt, với hệ thống 24 phòng tư vấn ở các huyện, cơ sở tư vấn xã, phường (Chương trình điều trị 2.0), số người được phát hiện nhiễm HIV tăng lên và hiện số người nhiễm HIV có xu hướng giảm dần trên địa bàn tỉnh nhưng lại tăng lên ở các huyện miền núi, trong đó phải kể đến các huyện Mường Lát, Bá Thước và Quan Hóa. 
Đáng lo ngại khi có đến 80% ca nhiễm ở Mường Lát, Bá Thước và Quan Hóa là người dân tộc Thái (đặc thù các vùng có đường biên giới giáp Lào, tình trạng buôn bán ma túy diễn biến phức tạp, trên 60% các trường hợp lây nhiễm liên quan đến tiêm chích ma túy…).
Khảo sát về tình trạng này ở địa phương cho thấy, đa số người nhiễm là nam giới, chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêm chích ma túy (60-65%), tập trung trong nhóm không có nghề nghiệp (40%), nhiều nhất là trong nhóm nông dân và  những người đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới cũng gia tăng từ 2,3% năm 2010 lên 25,7% hiện tại. Ngoài ra, số nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ có thai, phụ nữ bán dâm cũng ngày một gia tăng. 
Thách thức lớn nhất hiện nay ở Thanh Hóa là do dân số đông nên đa số huyện miền núi khó tiếp cận với các dịch vụ; các cơ sở điều trị Methadone hầu như mới ra đời, cơ sở vật chất thiếu thốn… Trong khi đó, hầu hết các hoạt động can thiệp đều được hỗ trợ từ các dự án nước ngoài, mà các dự án lại đang có xu hướng giảm dần. 
Trước khó khăn này, ông Cẩn cho hay, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã gấp rút xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020. Nhưng tương lai của hoạt động phòng chống AIDS, dự đoán sẽ không mấy sáng sủa vì nguồn tài chính của địa phương rất eo hẹp. 
Khó khăn chồng chất
Chia sẻ về công tác phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở, bác sỹ Nguyễn Thị Sử - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa cho biết, huyện Quan Hóa nằm trong số 61 huyện khó khăn nhất nước với 44.000 dân, phân bố trên diện tích rộng 99.000ha rừng núi, dốc, suối, gồm 5 dân tộc sinh sống, 18 xã, thị trấn. 
Ca nhiễm đầu tiên ở huyện được phát hiện từ năm 2001, nhưng đến năm 2004 các chương trình can thiệp mới bắt đầu, cũng chỉ có 2 xã được can thiệp (chủ yếu tuyên truyền, giảm hại, tư vấn xét nghiệm, vừa triển khai tư vấn xét nghiệm tự động và chương trình điều trị 2.0). 
Hiện cả huyện có tổng số 683 người nhiễm HIV, trong đó có 401 người nhiễm còn sống. Nhờ có các chương trình can thiệp, 352 trường hợp đã được điều trị ARV, 136 người điều trị Methadone. Hiện số người nhiễm giảm dần, 7 xã có chương trình ARV về tận xã. Tuy nhiên, khó khăn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS ở địa phương còn rất nhiều. 
Cụ thể, theo bác sĩ Sử, Quan Hóa có 2 tuyến đường chính dọc 2 con sông, đến trung tâm xã cũng phải 60-70km. Bên cạnh trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế thì kinh phí hỗ trợ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS ít ỏi nên khi triển khai các chương trình gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng lo nhất là hiện các dự án đang có xu hướng giảm dần nên các chỉ tiêu đã làm được sợ không giữ nổi, nói chi đến mục tiêu đẩy lùi được đại dịch nguy hiểm này. 
“Mỗi điểm điều trị Methadone có 5 cán bộ phục vụ, tuy nhiên vì địa bàn quá rộng, những hôm thời tiết xấu, đường sá khó đi lại, nguy hiểm nhưng các cán bộ vẫn phải chấp nhận. Có những hôm đã có lịch điều trị khởi liều, nhưng không sắp xếp được xe, anh chị em phải đi bằng phương tiện riêng, nhưng gặp lũ quét phải nghỉ lại ở đó mai mới về…” – y sỹ Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa ngậm ngùi tâm sự. Theo chị Ngọc, nếu không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, e rằng sự nhiệt tình, tận tâm của cán bộ y tế cũng sẽ bị mai một.
Kết ngắn
Thanh Hóa là một trong những địa phương triển khai khá sớm chương trình điều trị Methadone và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên, không cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS nào của địa phương dám khẳng định sẽ đạt được chỉ tiêu trong chương trình này. 
Theo nhận định của ông Nguyễn Bá Cẩn, hiện các bệnh nhân được điều trị miễn phí, về lâu dài địa phương sẽ phải xã hội hóa hoạt động điều trị Methadone, nhưng nếu phải bỏ tiền túi ra điều trị Methadone, người dân sẽ không có tiền, trong khi việc mua ma túy ở đây lại không khó. Hơn nữa, phải lên tận trung tâm huyện, xã lấy thuốc về uống nên khả năng họ bỏ dở điều trị là rất cao… 
“Đây là một bất cập trong việc khuyến khích người nghiện điều trị Methadone, tiến tới xã hội hóa điều trị Methadone trong thời gian tới!” – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS xứ Thanh khẳng định.

Đọc thêm