Học đại học trong 3 năm - khó dành cho số đông?

(PLO) - Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, được thiết kế theo hướng hội nhập giáo dục quốc tế. Theo đó, khung thời gian đào tạo đại học sẽ được rút ngắn xuống từ 3-5 năm. Tuy nhiên, phía các trường lo ngại, thời gian 4 năm đại học đã là tối thiểu cho mặt bằng chung, học 3 năm chỉ là những sinh viên giỏi mà thôi...
Không phải mọi sinh viên đều học được trong 3 năm.
Không phải mọi sinh viên đều học được trong 3 năm.

Đào tạo đại học chỉ từ 3 - 5 năm

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc  thay đổi thời gian đào tạo đại học (ĐH) theo hướng rút ngắn sẽ khắc phục được những nhược điểm hiện có của giáo dục ĐH. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành được thực hiện trên nền tảng Luật Giáo dục 2005 và 2009. Cho đến nay, giáo dục và đào tạo trên thế giới đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi nền giáo dục nước nhà phải có những điều chỉnh để tương thích, nhằm giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Theo đó, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành được thiết kế theo hướng hội nhập giáo dục quốc tế. Đó là về cải cách giáo dục ĐH châu Âu, đang được các nước trong Cộng đồng châu Âu và nhiều nước khác ngoài khối áp dụng.

Thứ trưởng Ga cho biết thêm, thực tế, việc rút ngắn thời gian đào tạo này đã được một số trường thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ. ĐH Khoa học và Công nghệ (Việt - Pháp), Việt - Đức, RMIT Việt Nam cấp bằng cử nhân sau 3 năm đào tạo. Trường ĐH Anh quốc Việt Nam cũng có chương trình đào tạo kéo dài 3 năm. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo bậc thạc sĩ cũng được quy định từ 1-2 năm so với quy định “cứng” 2 năm như hiện tại. Trong khi đó, thời gian tối thiểu với đào tạo tiến sĩ được quy định tăng thêm một năm, từ 3-4 năm thay vì 2-4 năm như hiện tại.

Hiện nay khung thời gian đào tạo thường được các nước tham khảo dựa vào tiến trình Bologna của Cộng đồng Châu Âu. Theo đó, thời gian đào tạo kể từ khi sinh viên tốt nghiệp tú tài là 3 năm đối với ĐH, 5 năm đối với thạc sĩ và 8 năm đối với tiến sĩ. Nếu xét thời gian đào tạo tối thiểu có thể thấy khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta hướng tới tương thích với khung quốc tế được nhiều nước tham khảo nhất hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Có đảm bảo chất lượng?

Tuy nhiên, từ phía các trường, chủ trương trên được đưa ra khiến cho rất nhiều chuyên gia phải băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng. PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phản đối: “Phương án của Bộ GD-ĐT chưa phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Đáng lẽ, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ GD-ĐT nên tổ chức hội thảo để các giáo viên dạy mẫu giáo cho đến giảng viên dạy ĐH và các chuyên gia giáo dục thảo luận điểm mạnh, yếu của giáo dục nước nhà; mô hình trường nào phù hợp thời gian 3-4 năm? Hiện nay, thời gian đào tạo cao đẳng 3 năm còn ì ạch, vậy ĐH 3 năm càng khó hoàn thành chương trình”.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu rút xuống 3 năm thì chương trình đào tạo cần phải hết sức chắt lọc, tinh túy; phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động; mà điều này thì hoàn toàn không dễ, nhất là trong bối cảnh các chương trình đào tạo ĐH hiện nay đang rất lỗi thời so với các nền giáo dục tiên tiến.

Hiện nay trên thế giới có 2 luồng giáo dục phổ biến. Các nước trong khối APEC, Mỹ có nền giáo dục phổ thông 12 năm và 4 năm cử nhân. Hệ thống giáo dục phổ thông của Anh là 11 năm, ai muốn vào ĐH phải học thêm 2 năm bậc cao và sau đó 3 năm ĐH. Do đó, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, ĐH 3 năm sẽ không có chất lượng. Nếu muốn thực hiện 3 năm, nhà trường phải bỏ qua những môn học Việt Nam như Lý luận Mác Lê nin, Giáo dục quốc phòng… liệu có được chấp nhận? Rồi các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, phòng thí nghiệm, thư viện đang rất thiếu...

Bên cạnh đó, ông Lê Viết Khuyến phân tích, theo thiết kế chuẩn của thế giới, mỗi năm học được thiết kế bao gồm 30 tín chỉ. Như vậy, 120 tín chỉ ở bậc ĐH tương đương với thời gian đào tạo 4 năm. Nếu hai văn bản nói trên không mâu thuẫn thì nếu rút chương trình đại học xuống còn 3 năm, phải tăng nội dung học của mỗi năm lên chứ không được bớt số lượng tín chỉ đi, hoặc chương trình phổ thông phải nặng lên. Hiện nay đã kêu chương trình phổ thông nặng, thêm nữa sẽ thành quá tải. Như vậy, chương trình đại học phải nặng lên.

Tuy nhiên, chương trình là thiết kế đại trà cho cả hệ thống. Nếu thiết kế quá nặng, sinh viên trung bình, khá sẽ thiệt. Không thể lấy tiêu chuẩn của những sinh viên giỏi để thiết kế cho chương trình chung được. Dồn học 40 tính chỉ/năm, sinh viên trung bình sẽ không đáp ứng được. Ông Khuyến cũng cho rằng chương trình đào tạo đại học với 120 tín chỉ như hiện nay thực ra còn là nhẹ. Nếu thiết kế lại, đổi mới nội dung học, chương trình phải theo hướng tích hợp các môn chứ không phải giảm khối lượng. Đào tạo thấp quá khi ra trường sẽ phải đào tạo lại. Theo quy định, một tín chỉ gồm 45 giờ học lý thuyết, thực hành, tự học. Nếu cần tăng cường thời gian thực hành, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh, phân phối lại tương quan lý thuyết - thực hành chứ không giảm số lượng tín chỉ. Như vậy, muốn giảm thời gian chỉ có cách tăng cường độ học lên. Bởi thiết kế chính sách phải thiết kế cho đại trà, còn những sinh viên khá giỏi hoàn toàn có thể học rút ngắn thời gian.

Và ở góc độ trường đặc thù như ĐH Y Hà Nội, PGS TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng, để hành nghề y độc lập và là bác sĩ chuyên khoa thì sau 6 năm học, thậm chí người học cần học thêm ít nhất 3, 4 năm. Sau thời gian này có thể thi chứng chỉ hành nghề tùy theo năng lực. Điều này đã được nhiều nước đào tạo y khoa trên thế giới thực hiện.

Có thể nói, để đảm bảo đầu ra cũng như đáp ứng với hội nhập quốc tế thì những quy định về khung thời gian đào tạo cần tính tới các ngành nghề đào tạo không chỉ có tính đặc thù, đây là điểm mà Bộ GD - ĐT cần xem xét khi chính thức triển khai.

Đọc thêm