Trường nghề vắng học viên, doanh nghiệp khó tìm nguồn lao động

(PLO) -Theo lộ trình để xây dựng và đào tạo nghề trọng điểm thì nhiều trường nghề ở tỉnh Thừa Thiên - Huế được Nhà nước đầu tư để đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều trường nghề trên địa bàn nhiều năm liên lục không tuyển đủ học viên, kéo theo đó là nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không tìm được nguồn lao động có chất lượng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong 45 trường nghề được đầu tư trở thành trường chất lượng cao thì trường Cao đẳng Nghề Thừa Thiên - Huế là một trong những trường được nhận được gói kinh phí gần 27 tỷ đồng đầu tư cho nghề hàn (nghề trọng điểm cấp quốc gia) và nghề kỹ thuật lắp đặt điện tử và điều khiển trong công nghiệp (nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN).

Mặc dù được đào tạo theo chuẩn quốc tế nhưng việc chiêu sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, nghề hàn cũng chỉ đào tạo được 14 người có trình độ cao đẳng, 183 người có trình độ trung cấp. Riêng lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp thì không có người theo học trình độ cao đẳng; trình độ trung cấp có 263 người. 

Cũng gặp khó khăn trong việc tuyển học viên theo học tại trường, Trường Trung cấp Nghề Quảng Điền được chọn nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ là nghề trọng điểm quốc gia. Trường đã quy hoạch diện tích đất, mặt nước gần 5 ha để phục vụ cho việc đào tạo nghề nhưng đa phần học viên không mặn mà với nghề này. Trong suốt 5 năm qua, chỉ có 64 học viên theo học trình độ sơ cấp.

Ông Trần Nam Lực - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thừa Thiên - Huế cho hay, đa phần, học viên học nghề sau khi tốt nghiệp, khả năng xin được việc rất cao, có mức thu nhập ổn định. Đặc biệt, những lao động có tay nghề cao thường được tuyển chọn ở những vị trí rất tốt. Tuy nhiên, trường lại không thể cung ứng đủ cho các doanh nghiệp khi đến tuyển dụng vì số học viên theo học nghề tại trường quá ít.

Nếu năm 2010 toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 44 cơ sở dạy nghề thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 29 cơ sở có đào tạo nghề với những nghề theo nhu cầu thị trường lao động. Không chỉ trường Trung cấp Nghề Thừa Thiên - Huế và Trường Trung cấp Nghề Quảng Điền “khát” học viên mà hầu hết các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cùng chung cảnh thiếu học viên trầm trọng. Có một số trường vì không tuyển đủ học viên để mở lớp nên đã buộc phải sáp nhập với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo  dục thường xuyên TP Huế.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng đào tạo lao động theo đơn đặt hàng. Thế nhưng, việc làm này vẫn chưa được triển khai một cách có hệ thống nên khi doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động có kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp thì các trường nghề lại khó tuyển được học sinh, sinh viên.

Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, Thừa Thiên - Huế có nguồn lao động khá dồi dào với hơn 600 ngàn người trong độ tuổi lao động, trong đó, lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao (chiếm 36,8%) và có gần 18.000 người bước vào tuổi lao động mỗi năm. Tuy nhiên, số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn chỉ khoảng 15.000 - 17.000 người/năm.

Theo đại diện của Khu nghỉ dưỡng phúc hợp Laguna Lăng Cô ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), một trong những doanh nghiệp có nhu cầu thu hút nguồn nhân tài trong ngành du lịch lớn nhất tỉnh cũng cho hay, với sự phát triển của ngành du lịch hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng sẽ còn tăng cao.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân viên có trình độ phù hợp vào các vị trí tuyển dụng tại Laguna Lăng Cô đang là một thách thức, trong đó, việc tuyển nhân viên về kỹ năng phục vụ và ngôn ngữ đang là vấn đề hết sức khó khăn tại thời điểm này. Đa phần, nguồn lao động tuyển mới về từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều phải được đào tạo lại rồi mới làm việc được.

Đọc thêm