Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có Công văn số 196/CV-HĐTS GHPGVN gửi Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố. Công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký GHPGVN ký, nêu rõ yêu cầu GHPGVN các tỉnh, thành phố phải hướng dẫn trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức những vật trên, cũng như trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng phải chủ động không bài trí và tổ chức di dời ngay các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Hướng dẫn bài trí linh vật đúng truyền thống
Theo Công văn 196, nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật thì nhất thiết phải liên hệ với Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Cùng thời gian, Công văn số 64/TTr-VHGĐ do Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc ký cũng khẳng định, tại nhiều di tích, danh thắng xuất hiện các hiện vật lạ bài trí trong khuôn viên di tích và nội tự như sư tử đá, hổ đá, lọ lộc bình, hoành phi, câu đối, tượng… không những không phù hợp với truyền thống văn hóa thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm sai lệch yếu tố gốc của di tích, mà việc tiếp nhận này còn không được phép của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về di sản văn hóa.
Từ đó, Công văn số 64 của Bộ VH-TT&DL yêu cầu nếu phát hiện ra các linh vật, biểu tượng lạ, các Sở VH-TT&DL địa phương phải kiên quyết yêu cầu đưa các hiện vật lạ ra khỏi di tích và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, chỉ mình Giáo hội tuyên truyền trong nội bộ chưa đủ, mà chính quyền và các ban ngành từ địa phương đến Trung ương cần truyền thông rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân, phật tử, những người chế tác sư tử đá… đều biết và nhận thức được.
“Có thể lấy việc đốt vàng mã ra làm ví dụ, nhà Phật không có lệ đốt vàng mã và Nhà nước cũng có chủ trương hạn chế dần vì đây là việc làm mê tín, tiêu tốn tiền của. Thế nhưng, nói cấm, nói hạn chế mà chỉ làm ở phần ngọn thì không được. Người sản xuất vàng mã vẫn sản xuất thì khắc sẽ có người mua, người dùng. Tương tự như vậy, các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vẫn đều đặn sản xuất ra sư tử đá đủ kiểu mà không có sự lên tiếng định hướng của cơ quan chức năng cho vấn đề hình mẫu thì chắc chắn sư tử đá kiểu Trung Quốc vẫn sẽ đến được với người có nhu cầu” - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu phân tích.
Các chùa “dọn dẹp” linh vật ngoại lai
Sau khi Bộ VH-TT&DL có Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và sau đợt thanh, kiểm tra của đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Bích Liên dẫn đầu thì đình, chùa Mộ Lao, Hà Đông và chùa Gia Quất, Long Biên, Hà Nội được coi là những nơi đầu tiên “dọn dẹp”, di dời linh vật ngoại lai ra khỏi di tích. Nhưng, theo ghi nhận của Báo PLVN thì cách đây đúng một năm, tháng 9/2013 chùa Trung Kính Thượng, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tiến hành việc này.
Ngày 9/9/2013, Báo PLVN đăng tải bài viết “Sư tử đá kiểu Trung Quốc canh đền chùa Việt Nam – bao giờ chấm dứt?” trong đó có nêu ví dụ dẫn chứng đôi sư tử đá ở cổng chùa Trung Kính Thượng. Chỉ đúng một ngày sau khi bài báo của PLVN phát hành, ngày 10/9/2013, UBND TP.Hà Nội đã có công văn chỉ đạo Sở VH-TT&DL, UBND quận Cầu Giấy xem xét, giải quyết vấn đề sư tử đá ở cổng chùa Trung Kính Thượng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Ngày 25/9/2013, UBND quận Cầu Giấy đã gửi công văn báo cáo kết quả cho biết, sau buổi kiểm tra thực tế và làm việc trực tiếp với nhà sư trụ trì, cặp sư tử đá ở cổng chùa Trung Kính Thượng đã được di chuyển ra khỏi khu vực chùa. Cho đến nay, trong khuôn viên chùa cũng như khu vực cổng không có sự hiện diện của sư tử đá ngoại lai.