Người thổi hồn cho chiếc trống đồng lớn kỷ lục

Trống đồng vốn là một hiện vật đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Người đúc trống phải chuyển tải được tình yêu đất nước, yêu dân tộc thì sản phẩm mới thể hiện được giá trị thiêng liêng của nó. Với tâm huyết này, nghệ nhân Lê Văn Bảy cùng 20 người thợ khác đang hoàn thiện chiếc trống đồng được cho là lớn nhất thế giới...

 

Trống đồng vốn là một hiện vật đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Người đúc trống phải chuyển tải được tình yêu đất nước, yêu dân tộc thì sản phẩm mới thể hiện được giá trị thiêng liêng của nó. Với tâm huyết này, nghệ nhân Lê Văn Bảy cùng 20 người thợ khác đang hoàn thiện chiếc trống đồng được cho là lớn nhất thế giới...

Công phu đến từng chi tiết

Trống đúc theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, nặng 8 tấn, chiều cao thân trống 2,2m, đường kính mặt rộng 2,57m. Sau khi ra lò, 20 thợ thủ công lành nghề và các nghệ nhân của làng nghề sẽ phải dành hơn 1 tháng để đánh bóng, mài giũa hệ thống hoa văn.

Để đúc thành công chiếc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, 20 người thợ của cơ sở nghệ nhân Lê Văn Bảy tập trung làm khuôn, khắc hoa văn trên khuôn đúc trống từ tháng 2/2013. Dự kiến đến đầu tháng 11 này, chiếc trống được trưng bày tại cơ sở của ông Bảy cho người dân tham quan, trước khi bàn giao cho chủ nhân. 

Trống đang được người thợ hoàn thiện qua từng công đoạn
Trống đang được người thợ hoàn thiện qua từng công đoạn

Theo ông Bảy, khi tiến hành đúc trống thì trống dù nhỏ bằng cái bát ăn cơm hay có kích thước khổng lồ như chiếc trống đang đúc cũng phải tuân thủ những nguyên tắc về kích thước các hoa văn, cự ly linh vật, số lượng họa tiết... hết sức nghiêm ngặt, chính xác tuyệt đối. Nếu tay nghề chưa cao thì rất khó để tạo dựng được diện mạo trống theo phiên bản trống cổ.

Công đoạn nung lò cũng không kém phần công phu khi nhiệt độ nung trống luôn phải giữ ở mức trung bình 1.200 độ C, nhiệt lớn quá hoặc nhỏ quá đều ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của đồng, thậm chí có khả năng làm hỏng các hoa văn họa tiết đã dày công khắc họa.

Toàn bộ số đồng phục vụ cho việc đúc, ước lượng khoảng 11 tấn, được thu gom từ những vùng đất được chỉ định. Ông Bảy tiết lộ, đồng có nhiều loại khác nhau, nếu sử dụng đồng có những hoạt tính hay chất đồng không đúng như loại đồng cổ thì chất lượng trống sẽ kém, tiếng trống sẽ không âm trầm và coi như giá trị của trống cũng kém đi. "Những nguyên liệu ông dùng để đúc trống ngày nay không khác nhiều so với nguyên liệu ngày xưa các bậc tiền nhân dùng để đúc trống cổ", nghệ nhân này khẳng định.

Trong các công đoạn đúc trống thì yếu tố trọng yếu và cũng được coi là bí mật nghề nghiệp của người thợ đúc là âm của trống, thể hiện trình độ đẳng cấp giữa những người thợ đúc trống. Âm của trống đồng cũng như giọng nói của con người, khi âm trống vang lên người sành âm sẽ hiểu được giá trị trống ở mức độ nào.

Cũng theo ông Bảy, để xử lý được âm của trống giống như âm của những chiếc trống cổ nguyên thủy đòi hỏi người thợ phải có một khả năng thẩm âm không thua kém gì những nhà thẩm âm chuyên nghiệp. Đồng thời, thợ đúc phải biết kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố về độ dày mỏng của trống với chất lượng nguyên liệu, độ nung...

công đoạn nào của việc đúc trống cũng đòi hỏi sự công phu tỷ mỷ
Công đoạn nào của việc đúc trống cũng đòi hỏi sự công phu tỷ mỷ.

Lẽ sống của cả gia đình

Với học vấn khiêm tốn nhưng sau nhiều năm đam mê và trau dồi, nghệ nhân Lê Văn Bảy đã thể hiện được tay nghề trình độ cao trong giới đúc trống đồng. Gia đình có truyền thống nhiều năm làm nghề thủ công đúc đồng, nhưng phải đến đầu những năm 2000, khi ông Bảy tình cờ được gặp gỡ nhà sử học Dương Trung Quốc, qua những trao đổi về công việc và lịch sử với nhà sử học, ông mới quyết tâm chọn nghề đúc trống là nghiệp của đời mình.

Ông rất thuận lợi khi được nhà sử học Dương Trung Quốc tận tình hướng dẫn và cung cấp cho những tài liệu liên quan đến lịch sử của trống. Từ đó, ông từng bước đi sâu vào công việc phục dựng hiện vật đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Vượt qua không ít lần thất bại, ông dần khẳng định được thương hiệu trong giới đúc trống khi hoàn thành nhiều tác phẩm tên tuổi.

Năm 2009, nghệ nhân Lê Văn Bảy và các cộng sự đã đúc thành công chiếc trống đồng kỷ lục Đông Nam Á với đường kính 1,51m, vượt qua chiếc trống đồng lớn nhất khu vực lúc ấy ở Indonesia (đường kính 1,3m). Chiếc trống đồng được cho là lớn nhất thế giới sắp hoàn thành thể hiện nỗ lực không ngừng của ông.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên tác phẩm để đời của mình
Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên tác phẩm để đời của mình.

"Cũng từ công việc này mà tôi đã được rất nhiều thứ, tôi được gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo cấp cao, được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học danh tiếng, được đi khắp nơi để mở mang tầm mắt và hơn hết tôi thấy bản thân mình ngày càng thêm yêu dân tộc, đất nước mình hơn. Đúc trống rồi được nghe những âm vang của tiếng trống luôn mang lại cho tôi những cảm xúc rất thiêng liêng khó tả. Bây giờ, đúc trống đối với tôi và gia đình không còn đơn thuần là chuyện công việc kiếm sống mà đó là lẽ sống", nghệ nhân Lê Văn Bảy trải lòng.

Đức Thọ

Đọc thêm