Cùng với thời gian, chúng ta đã chinh phục được kỹ thuật tiên tiến này, góp phần mang lại uy tín và niềm tự hào của ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Vượt qua gian khó...
Tính đến thời điểm này, 12 cơ sở trong toàn quốc đã thực hiện được gần 900 ca ghép thận, 36 ca ghép gan và 09 ca ghép tim. Là một trong số ít các cơ sở y tế có thể tiến hành cả 03 lĩnh vực này, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 201 ca ghép thận, 18 ca ghép gan và 07 ca ghép tim. Để đạt được thành quả này là một nỗ lực vô cùng lớn của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, y, bác sỹ (BS) BV.
Theo GS. TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức, thực tế kỹ thuật ghép tạng đã được triển khai tại BV từ những năm 60 thế kỷ XX. Cụ thể, từ năm 1965, việc ghép gan thực nghiệm đã được cố GS Tôn Thất Tùng triển khai thực hiện. Đến năm 1999, BV bắt đầu triển khai ghép thận từ người cho khỏe mạnh.
Và sang năm 2000, việc ghép gan thực nghiệm trên lợn (Chương trình thuộc đề tài nhánh của Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu một số vấn đề ghép gan để thực hiện ghép gan trên người tại Việt Nam”) đã được triển khai tại BV.
Sự kiện chú lợn số 13/tổng số 15 cặp lợn sống được 13 ngày sau ghép đã mở ra một cơ hội vĩ đại cho sự nghiệp ghép gan của BV Việt Đức nói riêng và cả nước nói chung, kết thúc những chuỗi ngày miệt mài, say mê “khổ cứu” của “những GS chăn lợn” BV Việt Đức (người dân nói vui về những nhà khoa học BV Việt Đức tham gia nghiên cứu đề tài này, lúc bấy giờ).
Rục rịch từ rất lâu như vậy, thực nghiệm cũng đã có sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng GS Nguyễn Tiến Quyết cho hay, các ca ghép thận vẫn chưa thể tiến hành vì trang thiết bị, nhân lực, điều kiện tối thiểu để ghép vẫn chưa đầy đủ. Mãi tận đến năm 2006, sau khi đơn vị ghép tạng, trung tâm lọc máu của BV được thành lập, các ca ghép thận mới được tiến hành và trở thành thường quy tại BV.
Và năm 2007, ca ghép gan người lớn đầu tiên tại Việt Nam từ người cho khỏe mạnh cũng đã được thực hiện thành công tại BV...
Sau khi tiến hành một loạt nghiên cứu và thực nghiệm về ghép tạng tim, gan, thận...), ngày 4/6/1992 ca ghép thận từ người hiến sống cùng huyết thống đầu tiên cũng đã được tiến hành tại BV Quân đội 103. Ngày 31/01/2004, ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam từ người hiến sống cùng huyết thống đã được triển khai tại đây.
Ngày 17/06/2010, ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành thành công tại BV đã đánh dấu những bước nhảy vọt sau này của kỹ thuật ghép gan tại các cơ sở y tế chuyên khoa trong cả nước.
Chia sẻ về những thành quả này, GS. TS Hoàng Mạnh An - GĐ BV 103 cho biết, lúc bấy giờ trang thiết bị thì thiếu thốn, cơ sở vật chất, con người không đáp ứng, BV phải trông cậy rất lớn vào sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chuyên gia y tế nước ngoài và các BV chuyên khoa khác.
Ngoài ra, tâm lý của người miền Bắc lúc ấy vẫn chưa sẵn sàng cho việc ghép nên BV phải liên hệ, chuẩn bị các thủ tục để đưa bệnh nhân từ trong Nam ra ghép. Cũng chính vì các lý do này, phải đến năm 2006-2007, việc ghép mới được triển khai rộng rãi tại BV.
Tại nước ta, phẫu thuật ghép giác mạc đã được thực hiện từ những năm 1950. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, nguồn giác mạc khan hiếm, thiếu thốn về dụng cụ, trang thiết bị nên phẫu thuật này ít được thực hiện. Từ năm 2000, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, chúng ta mới có nguồn giác mạc thường xuyên hơn. Ý thức được tầm quan trọng của giác mạc, từ năm 2004 BV Mắt Trung ương (TƯ) đã triển khai Dự án xây dựng Ngân hàng Mắt.
Trong đó, công tác truyền thông, vận động hiến tặng giác mạc là hoạt động trọng tâm của Ngân hàng Mắt. Nhưng “để làm được điều này không đơn giản chút nào” - TS. BS Phạm Ngọc Đông, GĐ Ngân hàng Mắt - Trưởng khoa Kết - Giác mạc, BV Mắt TƯ khẳng định. Cũng theo BS Đông, để người dân thay đổi suy nghĩ về việc hiến giác mạc, BV đã phải phối hợp với rất nhiều tổ chức, Hội... tổ chức các buổi truyền thông về vấn đề này.
Bên cạnh đó, BV cũng phải cử người túc trực thường xuyên, đi đến tận nhà dân để lấy giác mạc khi có trường hợp tự nguyện hiến tặng, đồng thời triển khai các hoạt động tôn vinh người hiến...
Tự hào đi lên...
Với những nỗ lực đó, BS. Đông cho biết, tháng 4/2007 Ngân hàng Mắt đã thu nhận được giác mạc của người hiến đầu tiên ở Việt Nam. Được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức tôn giáo và đông đảo quần chúng nhân dân, tính đến tháng 10/2013, cả nước đã có tổng số 181 người hiến tặng giác mạc; hàng chục ngàn người đăng ký hiến...
Sau một loạt các ca ghép thận, gan, tim thành công, BV 103 đang triển khai đề tài về ghép tụy. GS. Hoàng Mạnh An cho biết, Hiện tại (BV) đã và đang tiến hành nghiên cứu ghép thực nghiệm trên lợn (bước đầu đã đạt được những thành công); đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và mọi mặt để phục vụ ghép tụy/tụy-thận trên người và cử một đoàn cán bộ đi học tập tại nước ngoài để phục vụ việc ghép trong nước...
GS. TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, BV cũng đã thực hiện được tất cả các ca ghép tạng vào loại khó trên thế giới, cũng như hoàn thành được tất cả các quy trình, từ chẩn đoán chết não, hồi sức chết não, đặc biệt là lấy tạng từ người cho chết não. “Kỹ thuật này quan trọng và còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với kỹ thuật ghép tạng” - GS Quyết khẳng định.