Dự án CHK quốc tế Long Thành tác động nợ công cao nhất 0,28% GDP

(PLO) - Hôm nay (4/6), một lần nữa Quốc hội xem xét về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước khi bấm nút quyết định.
Tổng đầu tư giảm so với khái toán
Tại kỳ họp trước, tính khả thi trong các phương án huy động vốn được Chính phủ đưa ra cho dự án này khiến nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn vì lo ngại sẽ “đe dọa” đến an toàn nợ công vốn đang sắp “chạm ngưỡng”.
Trước đề nghị cần làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với vấn đề nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Dự án có tính khả thi cao. Dự án đầu tư mới đang ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên chưa được nghiên cứu chi tiết về hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, qua tính toán báo cáo tiền khả thi, chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) đối với hạng mục nhà ga là 13,9% xem xét cho thời hạn 25 năm.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236,39 triệu USD, giảm 2.601 triệu USD so với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã trình Quốc hội do điều chỉnh quy mô, phạm vi thu hồi đất, đền bù và tái định cư, phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nhu cầu chỉ đầu tư, không đưa vào Dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác  và giảm các chi phí khác... 
Vì thế, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và Bộ Tài chính đánh giá, trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công của dự án cao nhất là 0,28% GDP. 
Nên thu hồi đất một lần
Chính phủ đề xuất thu hồi 2.750ha đất phục vụ trực tiếp cho Dự án. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho Dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết, không nên tách rời Dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau. 
Theo ý kiến của Bộ Quốc phòng, các sân bay thường được thiết kế với vai trò lưỡng dụng (dân dụng và quân sự), Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, đáp ứng cả hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong tương lai, cần nghiên cứu giảm cường độ hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (kể cả hoạt động bay quân sự) để ưu tiên phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại. 
Vì vậy, Cảng HKQT Long Thành đầu tư tùy theo từng giai đoạn nhưng cần thiết bố trí phân khu chức năng quân sự riêng biệt. Dự kiến, diện tích đất 1.050ha sử dụng vào mục đích quốc phòng sẽ dùng để xây dựng khu doanh trại, nhà để máy bay, sân đỗ máy bay...

Đọc thêm