Tịch thu xe của “ma men”: Chế tài mạnh nhưng phải lũy tiến

(PLO) - Trước sự “dậy sóng” của dư luận về đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm quy định nồng độ cồn, hôm qua (11/3), Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) và Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải phối hợp tổ chức Hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn”. 
Tịch thu xe của “ma men”: Chế tài mạnh nhưng phải lũy tiến
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất đông nhà quản lý, chuyên gia phóng viên báo chí cùng những phân tích, mổ xẻ để có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu kéo giảm tai nạn giao thông.
Nặng chưa từng có 
Đại diện cho cơ quan đề xuất chế tài trên, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng lý giải lần nữa cơ sở pháp lý và thực tiễn của đề xuất mà ông đã phát biểu trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây. 
“Mục tiêu quan trọng nhất của đề xuất là bảo vệ tính mạng, bảo vệ đời sống, bảo vệ tài sản của mình và những người tham gia giao thông khác. Phải hướng đến làm sao để có một thông điệp đủ sức tạo nên lời cảnh báo thường xuyên cho người điều khiển phương tiện trước khi tham gia giao thông là đã uống rượu bia thì không lái xe. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị chế tài nặng chưa từng có ở Việt Nam liên quan đến rượu bia” – ông Hùng đúc rút.
Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Hữu Thư ủng hộ phải có chế tài xử phạt mạnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân, nhưng cần cân nhắc đến bảo đảm tính công bằng xã hội. “Giả sử cùng vi phạm ở nồng độ cồn như nhau và đều chưa gây tai nạn, có người bị tịch thu cả chiếc xe 30 tỷ, có người đi xe cũ nát lại chỉ mất vài triệu. Vậy có công bằng không?” - ông Thư đặt câu hỏi. 
Ngoài ra, theo ông Thư, Ủy ban ATGT Quốc gia nên rà soát lại xem đề xuất trên có ảnh hưởng đến các chính sách khác không, chẳng hạn như chính sách xóa đói giảm nghèo. “Cả nhà cố gắng thoát nghèo mãi mới có cái xe 3 triệu đồng để làm ăn, song chỉ vì hai ly cuốc lủi mà bị tịch thu xe, thế là lại đưa cả nhà về cái nghèo ban đầu. Đó cũng là điều cần xem xét” - ông Thư nêu ví dụ và cho rằng dân chúng mà bức xúc thì tính khả thi sẽ không cao.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương lật ngược vấn đề: “Sự công bằng xã hội không phải nằm ở giá trị cái xe. Luật pháp cần có những chế tài mạnh mẽ như tịch thu phương tiện để nâng cao hơn ý thức mỗi người”. 
Cần nhiều mức chế tài khác nhau
Tại Hội thảo, rất nhiều dẫn chứng trực quan đã được nêu ra. Ông Khuất Việt Hùng thông tin, Đoàn công tác Ủy ban ATGT Quốc gia vào thăm Bệnh viện Việt Đức hôm mùng 4 Tết, trong đó 60 nạn nhân cấp cứu tai nạn giao thông thì có 42 người vi phạm nồng độ cồn. 
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang tán thành phải có chế tài xử lý mạnh song cho rằng phải đến mức độ nào thì mới tịch thu phương tiện. Ông Trần Hữu Minh - chuyên gia có 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh – chia sẻ, nhiều nước đã có hệ thống xử phạt đối với lái xe uống rượu bia, trong đó tịch thu phương tiện. 
Chẳng hạn, Mỹ có 32/52 bang áp dụng lệnh tịch thu xe liên quan đến lái xe uống rượu bia, nhiều nước cũng tịch thu xe nếu lái xe vi phạm lần 3 và những quy định này đang thay đổi theo hướng nghiêm khắc hơn như tại một số tiểu bang của New York đã cho phép tịch thu xe ngay trong lần vi phạm đầu tiên.
Theo ông Minh, việc áp dụng giải pháp tịch thu xe đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn ở Việt Nam là theo xu hướng của các nước song chế tài cần quy định lũy tiến tăng dần. 
“Có thể áp dụng chế tài tịch thu xe đối với lái xe tái vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; lái xe vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như nồng độ cồn cho phép là 80mg/100ml máu mà nồng độ cồn của lái xe gấp 4 lần nồng độ cho phép, tức là lúc đó anh đã hoàn toàn mất kiểm soát, có thể gây tai nạn “giết” bất cứ ai trên đường; lái xe chống người thi hành công vụ, không dừng xe để đo nồng độ cồn, tức là coi thường kỷ cương. Hơn nữa, tuyên truyền giáo dục và xử lý vi phạm phải đi liền với nhau, tuyên truyền mà không xử lý hoặc xử lý nhẹ thì dễ nhờn luật, xử lý mà không tuyên truyền lại dễ gây bức xúc” - ông Minh đề xuất./.

Đọc thêm