Giấy tờ và thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau Thông tư số 06/2022/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD), nhiều vấn đề được đặt ra. Báo chí và ngay tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội cũng đã đề cập. Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã đăng đàn làm rõ thêm nội dung này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến nay, theo như báo cáo của Bộ Xây dựng, về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã được nhận diện, trong đó, hầu hết các vướng mắc đều có trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực (từ 16/1/2023).

Theo đó, với nhóm vướng mắc về PCCC theo quy chuẩn đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế hoặc đã xây dựng xong nhưng chưa đạt yêu cầu nghiệm thu, đã được giải quyết triệt để sau khi chủ đầu tư được cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn đầy đủ, cụ thể.

Tuy nhiên, hiện còn hơn 38.000 công trình không đáp ứng yêu cầu PCCC ngay khi đưa vào sử dụng hoặc qua quá trình cải tạo, sửa chữa, thay đổi công năng nhưng không chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống cháy nổ. Các cơ quan chuyên môn đang rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn và nghiên cứu biên soạn hướng dẫn thực hiện.

Hiện nay, còn một số nội dung cần làm rõ, bổ sung như các định hướng giải pháp phục vụ công tác thiết kế an toàn cháy cho nhà và công trình xây dựng; phát huy rõ hơn vai trò tư vấn thiết kế, chuyển đổi dần từ thiết kế tiền định sang thiết kế theo công năng phù hợp với công trình cụ thể; nội dung liên quan đến các đối tượng công trình quy mô nhỏ có các đặc điểm phi tiêu chuẩn.

Với công trình xây dựng có đặc điểm gắn với điều kiện từng địa phương, nghiên cứu theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương trong ban hành quy định về an toàn PCCC phù hợp.

Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp Bộ Công an khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình/cơ sở còn tồn tại về PCCC nhưng không có khả năng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC có hiệu lực tại thời điểm đưa vào sử dụng.

Với các công trình không có khả năng khắc phục các vi phạm về PCCC theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành; sẽ được áp dụng một số giải pháp kỹ thuật tăng cường, bổ sung nhằm nâng cao an toàn cháy nổ phù hợp với tình hình hiện nay; đồng thời đưa được công trình vào khai thác, sử dụng.

Qua việc phát sinh vướng mắc từ QCVN 06:2022/BXD cho thấy vấn đề tính khả thi, tính đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật đang đặt ra khi nghiên cứu ban hành. Đấy là chưa nói đến việc, Thông tư số 06/2022/TT-BXD thay thế Thông tư 02/2021/TT-BXD, chỉ có “tuổi thọ” hơn 1 năm.

Hiện nay Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng đang được đề xuất sửa đổi. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, góp ý xây dựng càng phải phối hợp chặt chẽ, sát thực tiễn.

Đọc thêm