Giữa trung tâm Thủ đô, quyết định thu hồi đất nằm “treo” đã 12 năm

(PLO) -Người xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, thế nhưng câu nói ấy quả là quá xa vời đối với bà Trần Thị Khánh khi một quyết định thu hồi đất treo lơ lửng trên đầu suốt 12 năm qua. Điều khiến mọi người không ngờ đến là câu chuyện ấy đang tồn tại ngay ở quận Ba Đình, trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Sau 10 năm, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi bị đập đi xây mới 2 lần
Sau 10 năm, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi bị đập đi xây mới 2 lần

Trên bảo dưới không nghe?

Theo phản ánh của bà Trần Thị Khánh (76 tuổi, ngụ tại 66 Phó Đức Chính, quận Ba Đình, TP.Hà Nội), thời điểm năm 1979 khi còn là giáo viên Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, bà được nhà trường phân diện tích đất khoảng 55m2 (sát nhà trường) để làm nhà ở. Kể từ đó đến nay, gia đình bà ăn ở ổn định không xảy ra tranh chấp. 

Đến năm 2006, gia đình bà Khánh và 2 hộ dân khác (giáp ranh Trường Mạc Đĩnh Chi) nằm trong diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp xây dựng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Căn cứ theo quyết định số 4846/QĐ-UBND ngày 30/10/2006 của UBND TP.Hà Nội (gọi tắt là QĐ 4846) thì 03 hộ gia đình trên đều thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 

Bà Khánh cho rằng, quá trình thực hiện dự án chính quyền địa phương đã không tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, đặc biệt gia đình nhà bà là người có diện tích đất bị thu hồi. Hơn nữa, phía chủ đầu tư chưa đảm bảo quyền lợi của người dân, có nhiều dấu hiệu khuất tất, lãng phí. 

Cụ thể, trong QĐ 4846 có nêu rõ: “Giao UBND quận Ba Đình ban hành quyết định thu hồi đất do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất để bàn giao cho Ban quản lý dự án quận Ba Đình (gọi tắt là BQLDA) theo quy định, chỉ đạo BQLDA báo cáo UBND Thành Phố để được cấp kinh phí GPMB 03 hộ gia đình (trong đó có gia đình bà Trần Thị Khánh).

Bên cạnh đó, trong quyết định này UBND TP.Hà Nội cũng ghi rõ: “Chỉ được xây dựng công trình sau khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Pháp luật sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quy định tại Khoản 1.2 Điều 3 (như đã nêu ở trên) quyết định này”.

Tuy nhiên, sau đó trường được cải tạo, nâng cấp xây dựng 3 tầng khang trang nhưng các hộ dân nằm trong diện GPMB vẫn được ở lại chứ không hề bị giải tỏa. 

Đến năm 2017 (sau khoảng 10 năm sử dụng), Trường THCS Mạc Đĩnh Chi lại bị đập bỏ và xây mới hoàn toàn. Hiện công trình đang tiến hành xây dựng được khoảng 50%, trong khi gia đình bà Khánh và hai hộ dân khác vẫn đang sinh hoạt bình thường chứ chưa hề bị giải tỏa để GPMB.

Cũng theo phản ánh của bà Khánh, trước đó UBND TP.Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc (văn bản số 2550/UBND-ĐT ngày 05/5/2016) đối với đề nghị của Sở Xây dựng về việc bố trí 3 căn hộ trong quỹ nhà tái định cư nhỏ lẻ còn trống tại nhà CT1 Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) để GPMB thực hiện DA. Tuy nhiên, đến thời điểm này phía chủ đầu tư (BQLDA) chỉ triển khai công tác GPMB một hộ dân (hộ ông Phạm Văn Chung).

Bà Khánh bức xúc nói: “Họ tổ chức đo đạc khảo sát hiện trạng không đúng với thực tế, bỏ qua diện tích gia đình tôi đã sử dụng từ năm 1979 đến nay, trong đó ghi rõ số liệu được sử dụng từ năm 2007. Từ đó, UBND quận đã ra văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế sơ bộ, quyết định phê duyệt dự án. Đồng thời ra thông báo số 102/TB-UBND ngày 30/5/2017 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án vi phạm luật đất đai khi không có căn cứ và không đủ thẩm quyền”.

“UBND quận Ba Đình không thực hiện đầy đủ theo QĐ 4846 của TP. Đến nay, quận tổ chức đầu tư xây dựng mới trường chỉ sau 10 năm sử dụng khi công trình vẫn còn tốt đã gây ra sự lãng phí rất lớn. Dự án đã vi phạm chỉ giới xây dựng dẫn đến công trình chỉ còn cách phố Phó Đức Chính chừng khoảng 2m. Điều đáng nói, một quyết định của TP nhưng UBND quận Ba Đình đập trường đi xây mới 2 lần, trong khi quyết định thu hồi đất của chúng tôi vẫn treo lơ lửng trên đầu suốt 12 năm”, bà Khánh phản ánh.

Mặc dù TP. Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc việc bố trí 3 căn tái định cư, thế nhưng dự án chỉ GPMB 1 hộ
Mặc dù TP. Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc việc bố trí 3 căn tái định cư, thế nhưng dự án chỉ GPMB 1 hộ

Dân kêu cứu, chính quyền “làm ngơ”?

Liên quan đến những phản ánh trên, ông Nguyễn Xuân Minh (phó Chủ tịch phường Trúc Bạch) cho biết: "Dự án này từ năm 2005 - 2006 thì triển khai xây dựng. Hồi đấy tôi chưa về đây nhưng theo báo cáo của các đồng chí thì về triển khai thu hồi đất có 3 hộ ở trong đấy. Công trình xây không vào các nhà dân do vậy không tiếp tục triển khai thu hồi mà chỉ xây trường và sử dụng". 

Ông Minh lý giải, trong quá trình trường đi vào sử dụng thì gặp bất tiện do hộ ông Phạm Văn Chung đi cùng cổng trường và ông này làm nghề sửa xe máy nên ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

"Qua nhiều năm, nhà trường có ý kiến thì phường có báo cáo quận là có cái bất tiện là  như thế. Qua xem xét thực tế thì bên BQLDA có báo cáo quận là trước mắt thì giải quyết nhà ông Chung đang bị bất tiện với trường. Còn chỗ nhà bà Khánh và 1 nhà nữa (hộ ông Nam-PV) vẫn nằm trong dự án sẽ làm việc tiếp vào giai đoạn sau. Hiện ban đang làm thủ tục để giải tỏa cho nhà ông Chung trước, mấy nhà kia có khả năng là giải tỏa sau”. 

Trả lời PV, ông Hùng - Phó BQLDA quận Ba Đình cho biết: “Ban tôi thực hiện dự án với vai trò chủ đầu tư nhận dự án từ đầu, nghĩa là phải đi xin cấp lại chỉ giới đường đỏ, xong rồi căn cứ vào cái bản đồ ranh giới khu vực 1 để phân tích giá trị với khoanh được lại cái ranh giới của dự án trình lên phòng tài nguyên phê duyệt”.

Theo Quyết định số 2410/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND quận Ba Đình về việc phê duyệt dự án, thì tổng mức đầu tư là hơn 54.176.112.000 đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 2.222.251.000 đồng.

Ông Hùng khẳng định: “Dự án mà ban đang thực hiện đã làm đúng theo các bước để triển khai dự án. Dự án được xây mới (5 tầng) và đang triển khai được 50%. Đối với nhà ông Chung thì ban đang thực hiện theo đúng cái kế hoạch GPMB. Ban cũng đã triển khai công bố các quy định có liên quan đến nhà ông Chung và hiện ban đang thẩm định phương án GPMB đối với hộ này và trình hội đồng bồi thường xem xét, sau đó thì ban sẽ công bố phương án dự thảo”.

Ngoài ra, ông Hùng cũng tiết lộ vào sáng cùng ngày (ngày 19/1/2018), lãnh đạo UBND quận Ba Đình cũng đã tiếp xúc và trả lời đại diện gia đình bà Khánh về việc liên quan đến những phản ánh, kiến nghị trên. 

“Ban cũng đã phối hợp với phòng ban trên quận để giải quyết vụ bác Khánh và đại diện là anh Bình (ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình) trên quận đứng ra dự cái cái buổi tiếp đấy. Toàn bộ 2881 m2 đất thu hồi theo cái thông báo thu hồi đất (QĐ 4846-PV) thì trong đấy có cả 3 hộ thì là ban sẽ báo cáo quận chỉ đạo tiếp tục GPMB. Chủ tịch quận cũng đã kết luận và sẽ có văn bản chính thức trả lời cái nội dung ấy vào ngày thứ 2 (tức ngày 22/1/2018)", ông Hùng chốt lại.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Khánh, cho đến thời điểm này gia đình bà vẫn chưa nhận được bất kỳ một văn bản trả lời nào từ phía UBND quận Ba Đình. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời khẳng định chắc “như đinh đóng cột” của đại diện quận Ba Đình trong buổi trả lời PV trước đó.

12 năm, Dự án triển khai lần 2 nhưng chưa GPMB 3 hộ dân (ảnh dự án giáp vách ngăn tường nhà dân)
12 năm, Dự án triển khai lần 2 nhưng chưa GPMB 3 hộ dân (ảnh dự án giáp vách ngăn tường nhà dân)

“Theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP.Hà Nội, toàn bộ diện tích 55m2 của gia đình tôi thuộc diện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phải tổ chức thực hiện theo quy trình GPMB toàn bộ nên gia đình tôi không chấp nhận việc xử lý từng phần hoặc chia giai đoạn chỉ giải tỏa một hộ. Trong quyết định phê duyệt dự án đều có ghi mức bồi thường hỗ trợ tái định cư cho cả 3 hộ, không hiểu vì lý do gì họ lại bỏ qua gia đình tôi?”, bà Khánh thắc mắc và kiến nghị các ngành chức năng.

Những phản ánh, kiến nghị của người dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là hoàn toàn chính đáng. Việc thực hiện chủ trương đầu tư, phát triển giáo dục là hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chính quyền địa phương (ở đây là UBND quận Ba Đình) cần đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đề nghị UBND TP.Hà Nội và UBND quận Ba Đình vào cuộc xác minh và có câu trả lời kịp thời cho người dân, tránh bức xúc, khiếu nại kéo dài.

Đọc thêm