Dùng kết luận giám định của... người không phải giám định viên
Chỉ ít ngày sau khi UBND tỉnh có công văn “tố giác” về gói thầu camera lắp tại Sở Y tế, gửi Công an (CA) tỉnh đã có Quyết định số 01/QĐ ngày 10/1/2017 trưng cầu giám định.
Theo Thông tư 138/2013/TT-BTC, Sở Tài chính (STC) giám định tư pháp (GĐTP) trong lĩnh vực tài chính: Kế toán, kiểm toán, giá, chứng khoán, thuế, hải quan.
Sau khi ông Sơn liên tiếp ký 3 KLGĐ sai phạm, ngày 29/11/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần chủ trì công bố quyết định bổ nhiệm với ông Sơn. Theo đó, PGĐ Huỳnh Văn Sơn đang phụ trách Sở Tài chính được điều động đến công tác tại Sở KH&ĐT, bổ nhiệm giữ chức vụ GĐ Sở KH&ĐT kể từ ngày 01/12/2019.
Theo Thông tư 04/2014/TT-BXD, Sở Xây dựng mới có quyền “GĐTP chi phí đầu tư xây dựng, giá trị, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng...”.
Đây là gói thầu thuộc lĩnh vực xây dựng, theo luật, thẩm quyền giám định phải thuộc Sở Xây dựng. Thế nhưng, CQĐT lại trưng cầu giám định ở... STC.
Lần thứ nhất, ngày 21/3/2017, Sở Tài chính ra Kết luận giám định (KLGĐ) 803/KLGĐ-STC. Văn bản này không có giá trị pháp lý khi Phó Giám đốc (PGĐ) STC Huỳnh Văn Sơn không phải là giám định viên (GĐV), cũng không phải người đứng đầu Sở, nhưng vẫn ký ban hành KLGĐ. Sai phạm nghiêm trọng khác, văn bản này không có chữ ký GĐV, trong khi theo Điều 32 Luật GĐTP thì KLGĐ buộc phải có chữ ký, ghi rõ họ tên GĐV. KLGĐ 803 còn cẩu thả đến mức ghi sai ngày hoàn thành giám định, lẽ ra phải ghi 21/3/2017 thì lại ghi là... 2016.
Lần thứ hai, gần nửa năm sau, ngày 14/8/2017, STC ra KLGĐ bổ sung 2062/KLGĐ-STC. Ở KLGĐ này, hình thức giám định tập thể, theo Điều 28 Luật GĐTP, buộc “những người giám định cùng thực hiện việc giám định, cùng ký vào bản KLGĐ”. Thế nhưng tiếp tục vi phạm, bản KLGĐ chỉ có một chữ ký ở phần GĐV ghi Nguyễn Hữu Linh Giang. Lúc này vẫn không phải GĐV, không phải Giám đốc Sở, ông Sơn vẫn tiếp tục ký ban hành KLGĐ.
Cả hai KLGĐ đều sai thẩm quyền, sai hình thức, sai nội dung. “Đây là hai bản KLGĐ “giả cầy””, bác sĩ (BS) Liêm nói. Thế nhưng, CA tỉnh vẫn căn cứ vào “cơ sở” này để khởi tố bị cáo sau khi BS Liêm nghỉ hưu 10 ngày.
“Độc chiêu” “bảo mật” kết luận giám định
Lần thứ 3, khi CA tỉnh chuyển hồ sơ xuống CA TP Tân An điều tra, CA Tân An tiếp tục trưng cầu. Ngày 5/7/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Tân An ra KLGĐ 154/KL-HĐĐG, chỉ xác định về giá của 7 loại thiết bị trong gói thầu. Hội đồng từ chối kết luận thiệt hại hay thất thoát trong gói thầu, vì không đúng thẩm quyền.
“Đây là một KLGĐ hiếm hoi, đúng thẩm quyền, hình thức, nội dung trong vụ án”, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM) nhận xét. Thế nhưng, nếu căn cứ vào KLGĐ này, không thể buộc tội BS Liêm. Một lần nữa, STC, nơi có ông Sơn làm PGĐ, lại được tìm đến.
Ngày 16/9/2019, CA Tân An có Quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi STC. Thế nhưng chỉ 4 ngày sau, CA Tân An đã trả hồ sơ về CA tỉnh, sau khi “ngâm” vụ án gần hai năm.
Lần thứ 4, vụ án có bản KLGĐ mới. Khi vụ án đã chuyển về CA tỉnh, ngày 4/10/2019, vẫn là ông Sơn - PGĐ STC ra KLGĐ bổ sung số 22/KLGD-STC, gửi CA Tân An, cho rằng gói thầu gây thất thoát 911 triệu.
BS Liêm cho hay, để che giấu sai phạm giám định sai từ thẩm quyền, hình thức, đến nội dung, STC đã tùy tiện cho đóng dấu “Mật” vào KLGĐ 22 và chỉ gửi CA Tân An. Mãi sau này, khi KLGĐ 22 được đưa vào bút lục, tự động giải mật tại phiên tòa theo quy định về giải mật văn bản tài liệu trong hồ sơ vụ án, BS Liêm mới biết đến “độc chiêu” “ém nhẹm” nêu trên.
Ba KLGĐ sai phạm nghiêm trọng do STC thực hiện, PGĐ Sơn và GĐV Giang ban hành, ký tên; đều bị BS Liêm phản đối quyết liệt. BS Liêm làm đơn tố cáo đến nhiều cơ quan; đề nghị vào cuộc điều tra vụ án “cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” theo Điều 382 Bộ luật Hình sự với ông Sơn, ông Giang và những người có dấu hiệu cố ý giám định sai thẩm quyền, đưa ra các KLGĐ sai.
Nhiều cơ quan trung ương đã chuyển đơn tố cáo của BS Liêm về Long An. Trong phiên sơ thẩm ngày 13/8/2020, VKS Long An bất ngờ tự xin rút lại hồ sơ truy tố. Tại tòa, VKS nói xin rút hồ sơ vì “quên” lấy lời khai UBND tỉnh. Nhưng thực tế sau khi rút hồ sơ, VKS ra quyết định trả hồ sơ CA tỉnh, yêu cầu giám định lại.
Theo Điều 34 Luật GĐTP, đã 3 lần ra KLGĐ sai phạm, chứng tỏ STC không khách quan, không vô tư khi thực hiện giám định, nên STC không có quyền giám định tiếp sự việc. Nhưng ngày 10/9/2019, CA tỉnh tiếp tục trưng cầu đơn vị này. Lần thứ 4 STC “giám định” sự việc không thuộc thẩm quyền.
Những kết luận giám định sai từ thẩm quyền, hình thức, nội dung do ông Sơn ký ban hành. |
Giám định kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Ngày 25/9/2020, PGĐ STC Trịnh Quang Hiền ký KLGĐ 4213/KLGĐ-STC, “kết luận” hai nội dung: 1. BS Liêm không tham khảo giá các đơn vị báo giá, các công trình tương tự khi quyết định giá mua thiết bị cho gói thầu, “vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 25 Nghị định 112/2009/NĐ-CP”. 2. BS Liêm “làm thất thoát ngân sách nhà nước năm 2014” số tiền 911 triệu.
KLGĐ này bị LS Quynh đánh giá tiếp tục sai về nội dung: Thứ nhất, Điều 49 Luật Đấu thầu 2005, Điều 143 Luật Xây dựng 2014, Điều 15 Nghị định 48/2010/NĐ-CP đã quy định rõ với các dự án sử dụng vốn nhà nước, việc điều chỉnh đơn giá không áp dụng với hợp đồng trọn gói; giá hợp đồng trọn gói không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện.
Nói cách khác, BS Liêm không khảo giá lại khi phát hiện thiết bị có thay đổi xuất xứ là đúng luật. “Không thể “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, không thể viện dẫn ra điểm đ khoản 2 Điều 25 Nghị định 112/2009/NĐ-CP chỉ quy định chung chung về quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư để cho rằng BS Liêm “cố ý làm trái””, LS Quynh nói.
Thứ hai, STC cho rằng BS Liêm “làm thất thoát ngân sách nhà nước năm 2014”, là vô căn cứ. Gói thầu này mãi năm 2019 UBND tỉnh mới có quyết toán vốn đầu tư, nhà thầu được tạm ứng khoản tiền lớn hơn giá trị thi công nên đã tự động trả lại Nhà nước theo đúng quy định, nên không thể có cái gọi là “làm thất thoát”.
Thứ ba, KLGĐ 4213 chỉ xác định về giá thiết bị, nghĩa là chỉ mới giám định một phần gói thầu. Trong khi gói thầu này là cung cấp, lắp đặt gồm nhiều chi phí từ giá thiết bị, công lắp đặt, phí bảo hành, lợi nhuận nhà thầu. Dùng KLGĐ một phần gói thầu để buộc tội là không toàn diện, vô căn cứ.
Theo Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự, BS Liêm có quyền khiếu nại KLGĐ, yêu cầu giám định lại trong vòng 7 ngày từ khi nhận được thông báo. Thế nhưng bốn ngày sau, CA tỉnh đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án. “Thần tốc” 1 ngày sau (30/9), VKS tỉnh có cáo trạng. “Thần tốc” không kém, hai ngày sau, vụ án đã được lên lịch xét xử, nhanh chóng tuyên BS Liêm 3 năm tù vì một tội danh đã bị bãi bỏ từ nhiều năm trước.
Trong vụ án này, dư luận Long An bấy lâu nay vẫn cho rằng “Trung ương chỉ đạo”. Sự thật như thế nào? PLVN sẽ phản ánh trong số báo sau, khi so sánh nội dung trong một cuộc nói chuyện giữa một lãnh đạo tỉnh với BS Liêm; và nội dung các văn bản ban ngành Trung ương trả lời BS Liêm.
“Kết luận” sau mâu thuẫn “kết luận” trước:
Trong vụ án này, STC Long An 5 lần ra các “kết luận”, mỗi lần “kết luận” sau lại mâu thuẫn “kết luận” trước.
Năm 2016, khi UBND tỉnh cho thanh tra gói thầu, STC có kết quả thẩm định giá 755/KL-HĐTĐG, “quên” tính toán một số khoản như dây cáp mạng.
Ngày 21/3/2017, STC ra KLGĐ 803/KLGĐ-STC, nêu rõ “nếu không được thực hiện thanh tra thì sẽ gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước”, nghĩa là chưa có thiệt hại xảy ra.
Ngày 14/8/2017, STC ra KLGĐ 2602/KLGĐ-STC. UBND tỉnh khi đó chưa ra quyết định quyết toán vốn đầu tư với gói thầu, nhưng STC vẫn cho rằng “chênh lệch giữa giá trị quyết toán cao hơn so với thực tế… đã làm thất thoát ngân sách nhà nước 735 triệu”. Con số 735 triệu cũng “vênh” so với số liệu STC đã thẩm định giá năm 2016.
Theo BS Liêm, lần thứ tư, KLGĐ 22/KLGD-STC ngày 4/10/2019 do STC ban hành, kết luận bổ sung “số tiền NSNN thất thoát năm 2014 tăng thêm 176,7 triệu đồng”, nghĩa là số liệu giám định tiếp tục “vênh”, thành 911 triệu.
Vẫn theo BS Liêm, KLGĐ 4213/KLGĐ-STC ngày 25/9/2020 nội dung không khác so với KLGĐ 22. Chỉ có thay đổi chính là ông Sơn không còn ký ban hành KLGĐ này nữa.