Gốm cổ Quảng Đức - “báu vật” của miền đất Phú Yên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gốm cổ Quảng Đức là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, có tuổi đời trên 300 năm, xứng đáng là “báu vật” của miền đất Phú Yên.
Hơn 200 hiện vật gốm Quảng Đức được trưng bày.
Hơn 200 hiện vật gốm Quảng Đức được trưng bày.

Tinh hoa gốm cổ Quảng Đức

Ở làng Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) hiện vẫn còn ngôi miếu thờ, có đắp nổi 4 chữ Hán là Quang Điếm Lưu Phước, tưởng niệm tiền nhân có công lao lập làng, hình thành nên nghề làm gốm, với hai câu đối: “Đức thừa tiên tổ thiên niên vĩnh/ Phước ấm nhi tồn bách thế vinh”.

Từ Quảng Đức theo sông Cái về thượng nguồn sẽ đi vào vùng đất rộng lớn phía Tây Phú Yên, vùng Tây Sơn thượng đạo và một số tỉnh Tây Nguyên. Sự thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy góp phần đưa sản phẩm gốm Quảng Đức đến nhiều vùng miền khác nhau để tiêu thụ, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy nghề làm gốm ở Quảng Đức xưa có điều kiện phát triển rực rỡ một thời.

Theo các bậc cao niên ở Quảng Đức, làng gốm có lịch sử trên 300 năm hình thành và phát triển, khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Khai sinh ra dòng gốm này là dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào Phú Yên lập nghiệp.

Các nhà nghiên cứu, sưu tập chia sẻ về “báu vật” của miền đất Phú Yên.

Các nhà nghiên cứu, sưu tập chia sẻ về “báu vật” của miền đất Phú Yên.

Gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định, sử dụng sò huyết đầm Ô Loan trong quá trình nung như một “phụ gia”, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) xuống bằng đường thủy trên sông Cái. Gốm Quảng Đức là sự kết hợp của đất và lửa nhưng được làm bằng những nguyên liệu, kỹ thuật nung độc đáo.

Hiện nay, những nghệ nhân cuối cùng biết về kỹ thuật chế tác gốm cổ Quảng Đức không còn nữa. Làng gốm Quảng Đức giờ chỉ còn vài gia đình làm nghề với nguyên liệu, kỹ thuật chế tác hiện đại nhưng khâu tiêu thụ rất khó khăn. Tuy nhiên, sự lan tỏa, ảnh hưởng của dòng gốm độc đáo này trên rất nhiều lĩnh vực thì vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết hết.

Bảo tồn di sản văn hóa gắn với du lịch

Sau một thời gian chuẩn bị, Phòng Trưng bày gốm cổ Quảng Đức thuộc Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên vừa mở cửa đón những người quan tâm đến dòng gốm độc đáo này tại số 6 An Dương Vương (phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Phú Yên là một trong những tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên sớm thành lập Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật, trực thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Phòng Trưng bày gốm cổ Quảng Đức ra mắt là kết quả của cuộc hội ngộ giữa những người đam mê di sản văn hóa Phú Yên, những người con Phú Yên như: tiến sĩ Phan Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo Đông Nam Á (Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), các nhà sưu tập Trần Thanh Hưng, Bùi Tấn Hào…

Phòng Trưng bày gốm cổ Quảng Đức mở cửa đón khách tại số 6 An Dương Vương.

Phòng Trưng bày gốm cổ Quảng Đức mở cửa đón khách tại số 6 An Dương Vương.

Nơi đây, hơn 200 hiện vật gốm Quảng Đức (tráng men và gốm đất nung) gồm các kiểu chóe lớn nhỏ, vò, hũ, bình vôi, nậm rượu, thống, chác, chậu hoa, khuôn in được trưng bày trong không gian trang nhã. Bên cạnh đó là một số hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa, gốm Việt liên quan đến vùng đất và con người Phú Yên.

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên cho biết, gốm Quảng Đức có sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định) nổi tiếng dưới vương triều Vijaya Chăm Pa. Bảo tồn theo cách xây dựng Quảng Ðức thành một địa chỉ du lịch, nằm trong quần thể du lịch của địa phương gồm những di tích và thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia rất gần nhau như: thành cổ An Thổ, đầm Ô Loan, gành Ðá Dĩa, chùa Ðá Trắng, mộ và đền thờ chí sĩ Lê Thành Phương, địa đạo gò Thì Thùng.

“Các nghệ nhân ở làng gốm cổ Quảng Đức ngày nay vẫn sản xuất một số mặt hàng lưu niệm để phục vụ cho hoạt động du lịch, tăng thêm thu nhập. Nghề cũ đã lụi tàn nhưng hào quang dĩ vãng thì vĩnh viễn không phai nhạt. Đúng như ý nghĩa của câu đối cổ, phúc ấm của hậu thế được bồi đắp bởi đức sáng tổ tiên đã tạo nên một dòng gốm độc đáo, xứng đáng là “báu vật” của miền đất Phú Yên. Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó gốm cổ Quảng Đức sẽ được nghiên cứu một cách đầy đủ hơn, góp phần vào công tác bảo tồn vốn văn hóa trên vùng đất Phú Yên đã hơn 400 năm hình thành và phát triển”, ông Hưng cho biết.

Đọc thêm