Gừng càng già càng cay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nói “người cao tuổi” là phù hợp với quy định về độ tuổi theo khái niệm pháp luật; chứ thực ra nhiều “người cao tuổi” còn trẻ trung về tâm hồn, cường tráng về sức khỏe.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kinh nghiệm của những người đã từng trải qua cho thấy, một trong những giai đoạn khủng hoảng tâm lý trong đời người là thời điểm về hưu. Đang bận bịu tối ngày, đang đóng góp cho xã hội, bỗng dưng lại “bị” nghỉ ngơi, thừa thãi chân tay và thời gian. Thế nên thực tế cho thấy, những năm gần đây, không ít người trước khi nhận quyết định hưu trí đã chuẩn bị sẵn cho mình một công việc tiếp nối.

Việt Nam hiện là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh hàng đầu thế giới và người cao tuổi có năng lực ngày càng nhiều. Nói “người cao tuổi” là phù hợp với quy định về độ tuổi theo khái niệm pháp luật; chứ thực ra nhiều “người cao tuổi” còn trẻ trung về tâm hồn, cường tráng về sức khỏe.

Vì vậy, cần có những chính sách, chương trình, định hướng nào để cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước với người cao tuổi là vừa bảo vệ, vừa chăm sóc, vừa phát huy. Vế bảo vệ và chăm sóc, có lẽ chúng ta đã làm khá tốt so với điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta. Giờ là lúc tính vế “phát huy”, như gợi ý của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tại buổi tiếp các đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam mới đây.

Vị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đưa ra quan điểm, trong bối cảnh tuổi thọ người già ở Việt Nam tăng lên, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn và không ít người vẫn mong muốn tham gia vào phát triển xã hội theo kinh nghiệm và sở trường, cần có kế sách tạo việc làm cho người cao tuổi. “Tạo việc làm cho người cao tuổi dựa trên sự phù hợp với sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người cao tuổi là điều cần làm. Các nước phát triển như Nhật Bản, Đức còn có chương trình “Khởi nghiệp cho người cao tuổi”, dựa theo nhu cầu, sức khỏe và năng lực mỗi người”, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nói. Ông cũng kể câu chuyện khi sang Nhật Bản quan sát học hỏi kinh nghiệm, thấy một số người già ngày ôm vô lăng túc tắc lái taxi, tối về nghỉ ngơi ở trung tâm bảo trợ xã hội, vui vẻ với cuộc sống, không rơi vào tình trạng bức bối vì thừa thãi thời gian.

Tất nhiên không phải cứ kinh nghiệm nước ngoài mang áp vào Việt Nam sẽ thành công. Ở Việt Nam, thậm chí người cao tuổi còn có vai trò càng quan trọng hơn so với trước khi nghỉ hưu. Ở không ít gia đình, các con chỉ việc đi làm, mọi việc nhà nhờ ông bà quán xuyến; ông bà cứ đi đâu chơi vài hôm là con cháu “chết chắc”. Ở các gia đình tri thức, tiếng nói và uy tín của người cao tuổi có giá trị áp đảo trong các quyết định của gia đình. Dân gian có câu “gừng càng già càng cay” là thế. Không ít người cao tuổi “than thở”: “Tưởng về hưu nhàn hơn, ai ngờ còn bận bịu hơn”.

Nhưng cũng không thể phủ nhận hiện thực là sau giai đoạn gia đình Việt thường sống 2-3 đời trong một mái nhà; hiện mô hình gia đình đã chuyển sang con cái ở riêng với bố mẹ (gia đình hạt nhân), nhiều người già đã, đang ở riêng, sống độc lập với con cái. Nói vậy để thấy quan điểm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đưa ra như trên là chính xác. Cần có chính sách phù hợp, các biện pháp ứng phó, các giải pháp hỗ trợ để mọi người cao tuổi được sống khỏe, sống vui mỗi ngày, như các chương trình hỗ trợ người cao tuổi “khởi nghiệp” bằng một công việc kinh doanh mới.

Đọc thêm