Gương mặt Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”: NSƯT, Nhạc sĩ Võ Cường - "Cánh chim" lang thang giữa đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Võ Cường là một trong số ít nhạc sĩ thành công và nghiêm túc trong việc đưa chất liệu dân ca vào những sáng tác của mình. Ai đã từng thưởng thức “Lời ru Bu Noong”, “Tiếng đàn Goong lú”, “Nắng gió Đắk Nông”... ắt hẳn đều cảm nhận được được cái nắng, cái gió và màu đất đỏ bazan huyền thoại trong từng ca từ và giai điệu của ông.
NSƯT, Nhạc sĩ Võ Cường
NSƯT, Nhạc sĩ Võ Cường

Sinh ra huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nhưng cuộc sống lại đẩy đưa Nhạc sĩ Võ Cường gắn bó với Đắk Nông như một cơ duyên định mệnh. Ngay từ khi còn trẻ, ông phải theo khăn gói theo gia đình lên mảnh đất đầy nắng và gió này để lập nghiệp.

Năm 1987 – 1990, sau khi tốt nghiệp Trung cấp âm nhạc chuyên ngành Guitare, được Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phân công về nhận công tác tại phòng VH – TT huyện Krông Ana. Tại đây, ông tham gia tổ chức dàn dựng các chương trình thông tin, tuyên truyền, văn nghệ quần chúng và xây dựng văn hóa cơ sở đạt nhiều thành tích cấp tỉnh. 1990 – 2003, ông công tác tại phòng VH – TT huyện Cư Jút, Đắk Lắk.

Năm 2004, tỉnh Đắk Nông được thành lập, Võ Cường là một trong những người sáng lập ra Đoàn ca múa nhạc Đắk Nông và giữ chức vụ Trưởng đoàn. Khi đó, ông thường lái con mô tô cũ kỹ, bỏ đài cassette trong túi rồi lặn lội khắp các buôn làng gần xa trên mảnh đất Nam Tây Nguyên để nghiên cứu, thẩm thấu dân ca của các dân tộc M’ Nông, Mạ. Có được tư liệu ghi âm, ông đem về nhà kí âm rồi xuất bản tập sách các bài hát dân ca về hai dân tộc thiểu số này.

NSƯT, Nhạc sĩ Võ Cường tìm hiểu văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

NSƯT, Nhạc sĩ Võ Cường tìm hiểu văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Nhiều người từng ví von Nhạc sĩ Võ Cường như một "con chim lang thang” giữa các bon làng, cùng ăn, ở, sinh hoạt với đồng bào. Bởi thế, văn hóa, tâm hồn người dân nơi đây đã thấm sâu vào tâm trí của người nhạc sĩ. Và rồi bằng tâm hồn đa cảm của mình, ông chắt lọc những tinh túy đó và cho ra đời những ca khúc đặc sắc nói về một vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng rất đỗi hào hùng. Trái tim ông đã hòa nhịp với người dân bản địa đáng yêu nên mỗi lời ca đều ẩn chứa một tình cảm sâu đậm, cháy bỏng. Cũng chính vì thế mà ông được đồng bào yêu mến, gọi bằng cái tên thân mật là Ama Nhi hay Bắp Nhi…

*Năm 2016, Nhạc sĩ Võ Cường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

*Là thành viên Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” lần này, NSƯT, Nhạc sĩ Võ Cường mong muốn nhất là có nhiều thí sinh ở Tây Nguyên tham gia để chọn ra những tài năng âm nhạc cho đất nước.

Trong quãng thời gian đó, ông đã sáng tác hơn 30 ca khúc, nhạc kịch mang đậm âm hưởng các dân tộc Tây Nguyên. Nhiều ca sĩ đã thành danh khi sử dụng các ca khúc của anh tham gia các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế.

Ca khúc “Lời ru Bu Noong” ca sĩ Lê Mỹ Như (Phú Yên) giành Giải Nhì “Tiếng hát Sao Mai”. Cũng với ca khúc này, ca sĩ H’Zi Na B’ya giành Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc tại tỉnh Khánh Hòa năm 2009 và Huy chương Bạc liên hoan giọng hát Vàng ASEAN năm 2012 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ca khúc “Trên đỉnh Nâm Nung ta hát” lời Trần Lê Châu Hoàng, nhạc Võ Cường giành Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc ba nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia) tại tỉnh Quảng Trị năm 2011.

Riêng hai ca khúc “Lời ru Bu Noong” và “Tiếng đàn Goong Lu” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn lựa biểu diễn tại chương trình Liên hoan ca nhạc Á Âu năm 2014 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ca khúc “Tiếng đàn Goong Lu” hiện đang được giới trẻ yêu âm nhạc Tây Nguyên ưa thích.

Vở Nhạc kịch “Những người con của núi rừng” của Nhạc sĩ Võ Cường được Đoàn Ca Múa Nhạc tỉnh Đắk Nông biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa do thủ lĩnh Nơ Trang Lơng lãnh đạo.Vở Nhạc kịch “Những người con của núi rừng” của Nhạc sĩ Võ Cường được Đoàn Ca Múa Nhạc tỉnh Đắk Nông biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa do thủ lĩnh Nơ Trang Lơng lãnh đạo.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Võ Cường là vở Nhạc kịch “Những người con của núi rừng” với 5 Chương, thời lượng gần 60 phút được Đoàn ca múa nhạc Đắk Nông biểu diễn trong Đại lễ kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa của dân tộc M’ Nông chống thực dân Pháp do thủ lĩnh Nơ Trang Lơng lãnh đạo được phát sóng trực tiếp trên các Đài truyền hình: VTV2, HTV, PTD và Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên năm 2012.

Vở nhạc kịch này cũng được Đoàn ca múa nhạc Đắk Nông lựa chọn tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Sau khi xem vở Nhạc kịch của Nhạc sĩ Võ Cường, Nhạc sĩ Nguyễn Cường - người có nhiều ca khúc nổi tiếng mang âm hưởng Tây Nguyên đã phải thốt lên: “Người đầu tiên ở tỉnh lẻ dám làm vở nhạc kịch như thế, anh không khen em là tài năng nhưng anh khen em làm nghệ thuật nghiêm túc. Anh rất trân trọng!”.

Nhạc sĩ Võ Cường từng khẳng định: “Là một nhạc sĩ, muốn có cảm xúc thật trong từng bài hát thì cần phải đi thực tế để hiểu và viết. Vì thế, tôi đã lặn lội đi khắp các bon làng để tìm ra giá trị của nghệ thuật”.

Ông cũng thừa nhận rằng, bản thân mình là người rất dễ lôi cuốn bởi cái đẹp, nhất là vẻ đẹp tự nhiên mà đất trời mang lại và cũng rất dễ quên đi cái riêng của mình để hòa nhịp cùng với cái chung của cuộc sống cộng đồng. Thông qua các tác phẩm, ông muốn gửi gắm tình yêu của mình đối với mảnh đất đã cho ông những cung bậc của xúc cảm, vừa ngọt ngào lại rất tự hào.

Một số ca khúc do Nhạc sĩ Võ Cường sáng tác

Đắk Nông và em

Lời ru Bu Noong

Tiếng đàn Goong Lú

Trên đỉnh Nâm Nung ta hát

Đak Min cà phê hát

Nắng gió Đắk Nông

Nụ cười yêu thương

Dòng sông quê

Bóng tròn quê tôi

Nỗi nhớ Trường Sa

Nhạc kịch 5 chương, thời lượng gần 60 phút “ Những người con của núi”

Đọc thêm