Hà Giang: Có hay không việc chính quyền hậu thuẫn sai phạm?

(PLO) - Sử dụng ổn định từ những năm 70 của thế kỷ trước trên mảnh đất của cha ông để lại, thế nhưng ông Nguyễn Văn Quang (trú tại phường Minh Khai, TP.Hà Giang) bất ngờ khi biết mảnh đất của mình lại được UBND TP.Hà Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 hộ dân khác.
lBà Hạnh cho rằng các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang xử lý vụ việc của gia đình bà chưa thỏa đáng.
lBà Hạnh cho rằng các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang xử lý vụ việc của gia đình bà chưa thỏa đáng.
Bỗng dưng mất đất
Báo PLVN nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1956, trú tại tổ 3 phường Minh Khai, TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang) đại diện cho hai anh trai là ông Nguyễn Văn Quang và ông Nguyễn Văn Đức, phản ánh: Trước năm 1970, bố mẹ bà là ông Nguyễn Văn Đỉnh và bà Lê Thị Lan có khai phá một quả đồi để làm đất ở và trồng các loại cây ăn quả lâu năm. 
Năm 1974, Tỉnh Đoàn Hà Giang có mượn 2/3 diện tích đất mà gia đình khai phá để xây dựng Trường Bồi dưỡng cán bộ đoàn (nay là Trường Trung cấp Y). Vì sự nghiệp chung, bố mẹ bà đã đồng ý cho Tỉnh Đoàn Hà Giang mượn. 1/3 diện tích đất còn lại, gia đình bà Hạnh vẫn sử dụng ổn định, trồng các loại cây lâu năm… Diện tích này đã được  gia đình đăng ký vào Sổ địa chính từ năm 1983. 
Vị trí trên bản đồ năm 1983 thể hiện thửa số 42 diện tích 550m2 tại tổ 16, thửa số 46 diện tích 1.580m2, thửa số 48 diện tích 785m2 và thửa số 49 diện tích 1.000m2. Năm 1996 bố mẹ bà qua đời, tài sản ông bà để lại gồm nhà ở, đất thổ cư, đất vườn tạp và các loại tài sản trên đất; không bán, cho tặng ai đất và anh em bà Hạnh đứng ra quản lý từ đó đến nay.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Quang là con cả, đứng tên thửa đất số 48; ông Nguyễn Văn Đức con thứ, đứng tên ở thửa đất 49, còn hai thửa số 46 và 42 vẫn được gia đình quản lý sử dụng bình thường. Do có nhu cầu sử dụng, được anh trai ủy quyền, bà Hạnh đã nhiều lần làm đơn gửi UBND phường Minh Khai UBND TX.Hà Giang (nay là TP.Hà Giang) đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
(GCNQSDĐ) cho hai thửa đất còn lại. Tuy nhiên khi đó, các cấp có thẩm quyền không xác nhận nguồn gốc hình thành đất của gia đình nhà bà Hạnh vì cho rằng đó là đất hoang? “Chính quyền xác định diện tích đất đó là hoang là không đúng, bởi gia đình chúng tôi đã có công khai phá, sử dụng ổn định từ mấy chục năm nay. Đặc biệt, tính đến năm 2014, gia đình chúng tôi vẫn đóng thuế cho những diện tích đất này…” - bà Hạnh cho biết.
Trong khi gia đình bà Hạnh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xin cấp GCNQSDĐ thì phía UBND phường Minh Khai đã “bất ngờ” cấp GCNQSDĐ phần diện tích đất này cho 8 hộ dân, tuyệt nhiên không đả động gì đến gia đình bà Hạnh. Chính vì vậy, gia đình bà Hạnh tức tốc kiến nghị lên UBND phường Minh Khai nhưng không nhận được phản hồi tích cực nào. Sau đó, bà Hạnh đại diện cho gia đình gửi đơn khiếu nại về vấn đề trên tới UBND phường Minh Khai,  TP.Hà Giang cũng như UBND tỉnh Hà Giang.
Cố tình hợp thức hóa sai phạm?
Trả lời khiếu nại, UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Giang về việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình thì khiếu nại của bà Hạnh là không đúng vì đất không nằm trong thửa đất 46 mà bà Hạnh khiếu nại.
Trao đổi với phóng viên, bà Hạnh cho biết thửa đất hiện nay bà Mai đang ở nói là của ông Oanh (bố chồng) cho năm 1991 nhưng thực tế năm 2002 khi bà Mai đi tù về, chính quyền đã mượn 10m2 đất của gia đình bà cho bà Mai ở nhờ, có xác nhận của chính quyền địa phương. Khi được cấp GCNQSDĐ, diện tích đất thành 245m2. Còn thửa đất ông Nguyễn Văn Toản, ông Nguyễn Đức Vượng là người bán đất cho ông Toản có xác nhận, bụi  tre nằm trên lô đất 46/1.580m2 thuộc phần đất của gia đình ông Đỉnh (bố bà Hạnh). Sau khi bán nhà, ông Vượng có cho ông Toản bụi tre trồng nhờ trên đất của ông Đỉnh, chứ không cho và bán phần đất đó của ông Đỉnh.
Còn với thửa đất của ông Đỗ Xuân Thịnh, năm 1979 bà Hạnh mua của ông Khay một nếp nhà diện tích 80m2. Sau đó bà Hạnh bán lại cho anh Phạm Đức Chiến. Anh Chiến bán lại cho ông Thịnh, như vậy diện tích chỉ có 80m2, nhưng thực tế diện tích được cấp sổ đó lại khá lớn. bà Hạnh bày tỏ: “Ông Thịnh có nói là đất mua. Thực tế bố mẹ tôi không bán và tặng đất cho ai. Vậy ai đã bán đất cho ông Thịnh? Hay ông Thịnh đã chiếm hơn 250m2 đất của gia đình chúng tôi…”. Về lô đất của ông Phạm Minh Đăng, bà Hạnh cho rằng lô đất này là của gia đình bà khai phá trồng cây lâu năm từ trước năm 1970, nhưng tại cuộc họp ngày 19/3/2009, ông Đăng lại cho rằng phần đất ấy gia đình bà Hạnh không quản lí và sử dụng. Điều này là không đúng.
Tại cuộc họp ngày 17/4/2009 về việc hòa giải giữa gia đình bà Hạnh và gia đình bà Mai nhưng bà Mai lại vắng mặt. Còn tại cuộc họp ngày 19/3/2009, cũng để hòa giải giữa gia đình bà Hạnh và gia đình ông Đăng, nhưng ông này cũng vắng mặt. Nhưng biên bản làm việc của cuộc họp vẫn được lập để làm cơ sở kết luận đất của gia đình bà Hạnh là đất… hoang. Đại diện cho gia đình, bà Hạnh nói rằng các hộ dân trên có hành vi lấn chiếm đất của gia đình bà, việc chính quyền sở tại cấp GCNQSDĐ cho các hộ này là thiếu minh bạch, là hợp thức hóa những hành vi lấn chiếm đất của một số hộ dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của gia đình bà Hạnh. 
Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ những khúc mắc của gia đình Hạnh, tránh những khiếu kiện kéo dài không đáng có.

Đọc thêm